Giải mã những lầm tưởng về an toàn sinh học ở các trang trại chăn nuôi heo

Derald J. Holtkamp
01-Th4-2024 (Trước đó 8 tháng 21 ngày)

Lầm tưởng #1: An toàn sinh học đang có tiến bộ

Khi hỏi những người chăn nuôi hoặc bác sĩ thú y trong lĩnh vực chăn nuôi heo rằng vấn đề cải thiện an toàn sinh học có đang tiến triển hay không, câu trả lời thường là có. Để hỗ trợ cho câu trả lời của mình, họ dẫn chứng bằng việc tăng cường thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, chẳng hạn như rửa xe đầu kéo, tắm sạch khi ra vào trại, v.v. Nhưng đó có phải là cách tốt nhất để đánh giá sự tiến triển? Có thể cho rằng, việc đánh giá kết quả mà các biện pháp an toàn sinh học dự định đạt được sẽ là lựa chọn tốt hơn để đánh giá sự tiến triển. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ bùng phát dịch do virus PRRS và PED gây ra ở các trang trại heo nái vẫn ở mức cao, sự xâm nhập của visrus PRRS, coronavirus và các mầm bệnh khác vào các đàn heo choai tiếp tục xảy ra với tần suất cao. Ở một số quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ và Tây Ban Nha, tỷ lệ chết từ khi cai sữa đến khi xuất chuồng ở mức cao và ngày càng tăng, cho thấy sức khỏe tổng thể của heo không được cải thiện. Cuối cùng, sự lây lan của virus Dịch tả heo châu Phi trên toàn thế giới cho thấy không có sự tiến bộ về an toàn sinh học nào đang đạt được.

Tại sao kết quả vẫn chưa được cải thiện mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp an toàn sinh học hơn? Ngành công nghiệp thịt heo đã phát triển nhanh chóng trong 30 năm qua, dẫn đến sự gia tăng đáng kể các rủi ro an toàn sinh học. Chăn nuôi tách biệt về mặt địa lý có nghĩa là heo choai được di chuyển hai lần hoặc nhiều hơn từ khi sinh ra đến khi xuất chuồng, đôi khi với khoảng cách xa như vậy sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh địa phương lây lan nhanh chóng. Việc phụ thuộc vào lao động làm thuê và sự phát triển của các trại chuyên heo nọc giống, nhà máy thức ăn chăn nuôi và các công ty dịch vụ, chẳng hạn như quản lý chất thải và bảo trì, đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể tần suất các lần vào trại trong đó có các tác nhân mang mầm bệnh, chẳng hạn như con người, tinh, thức ăn, nhân viên bảo trì, phương tiện và thiết bị, ra vào trang trại. Khi quy mô của các công ty tăng lên, các phòng ban chuyên môn được hình thành khiến việc ra quyết định phối hợp ngày càng trở nên khó khăn. Các quyết định ảnh hưởng đến sức khỏe động vật ngày càng được đưa ra bởi những người ra quyết định nhận được tương đối ít thông tin từ các bác sĩ thú y. Mặc dù đã đạt được tiến bộ trong việc triển khai thực hiện các biện pháp an toàn sinh học nhưng việc kết quả thiếu cải thiện đã cho thấy những thay đổi đi kèm với sự phát triển nhanh chóng của ngành thịt heo trong 30 năm qua đã làm gia tăng các rủi ro an toàn sinh học nhanh hơn.

Lầm tưởng #2: Chúng ta đã biết cần phải làm gì

Đây là điệp khúc tôi thường nghe nhiều lần, đặc biệt là từ các bác sĩ thú y chăn nuôi heo. Hàm ý là chúng ta đã biết các biện pháp kiểm soát an toàn sinh học tốt là gì; không thiếu các danh sách biện pháp an toàn sinh học tốt đã được công bố và nếu chúng ta thực hiện tốt chúng thì sẽ đạt được tiến bộ. Tôi hoàn toàn không đồng ý. Để có hiệu quả, các biện pháp kiểm soát an toàn sinh học phải giải quyết các rủi ro an toàn sinh học đáng kể làm tăng khả năng truyền lây mầm bệnh vào đàn.

Để một mầm bệnh lây truyền vào đàn, phải xảy ra ba lỗi thất bại (Hình 1: Khái niệm ba thất bại để xác định các rủi ro an toàn sinh học, Holtkamp và cộng sự 2023). Rủi ro an toàn sinh học được định nghĩa là một hoàn cảnh, hành động hoặc phi hành động làm tăng khả năng xảy ra của một hoặc nhiều hơn trong số ba thất bại sau đây và việc phân tích rủi ro an toàn sinh học bao gồm việc xem xét các quy trình vận hành để xác định các rủi ro. Các rủi ro an toàn sinh học phát sinh từ việc thực hiện các quy trình vận hành bao gồm những quy trình bắt buộc trong chăn nuôi heo và những quy trình được thực hiện nghiêm ngặt để giảm thiểu các rủi ro an toàn sinh học, chẳng hạn như tắm rửa sạch khi ra vào trại. Việc nhận diện các rủi ro an toàn sinh học đòi hỏi phải đi sâu vào các quy trình chăn nuôi: Ai là người thực hiện các quy trình vận hành? Cái gì sẽ được thực hiện đối với tình trạng bố cục, cơ sở chuồng trại và thiết bị? Khi nào chúng sẽ được thực hiện? Vị trí thực hiện là ở đâu? Quy trình vận hành được thực hiện như thế nào? Nói rằng “chúng ta biết cần phải làm gì” có nghĩa là chúng ta đã xác định được những rủi ro an toàn sinh học nghiêm trọng nhất. Dựa trên kinh nghiệm của tôi khi tiến hành điều tra ổ dịch trong thập kỷ qua, các nhà chăn nuôi và bác sĩ thú y hiếm khi có sự hiểu biết toàn diện về các chi tiết của quy trình sản xuất đủ để đánh giá đầy đủ các rủi ro an toàn sinh học. Nếu các bác sĩ thú y và nhà chăn nuôi đầu tư thời gian để xác định và ưu tiên các rủi ro an toàn sinh học, họ sẽ thấy rằng cuộc sống thực tế trong ngành chăn nuôi heo còn lạ lẫm hơn so với mường tượng và sẽ là sai lầm khi cho rằng chúng ta đã biết cần phải làm gì.

MOSTRAR_ANIMACIO[781]

Lầm tưởng #3: Các công tác điều tra ổ dịch chỉ có giá trị nếu xác định được nguyên nhân của ổ dịch

Điều tra ổ dịch là cơ hội tuyệt vời để nhận diện và ưu tiên các rủi ro an toàn sinh học. Có thể bạn đã từng nghe câu nói “đừng bao giờ để một cuộc khủng hoảng tốt bị bỏ phí”. Ổ dịch là một cuộc khủng hoảng và đó là cơ hội để học hỏi, nhưng việc học hỏi lại không được đảm bảo. Nếu các cuộc điều tra ổ dịch được tiến hành tốt với mục tiêu nhận diện và ưu tiên các rủi ro an toàn sinh học thì theo kinh nghiệm của tôi, thông tin thu được sẽ luôn mang lại lợi ích khi đầu tư vào cuộc điều tra.

Năm 2021, Trung tâm Thông tin Sức khỏe Heo (Swine Health Information Center - SHIC) đã tài trợ cho việc phát triển Chương trình Chuẩn để Điều tra Ổ dịch (Standardize Outbreak Investigation Program). Một nhóm làm việc gồm 14 bác sĩ thú y chăn nuôi heo đã được thành lập để phát triển thuật ngữ, phương pháp và công cụ. Cách thức chuẩn để điều tra ổ dịch được tiến hành dưới dạng phân tích rủi ro an toàn sinh học tổng hợp và điều tra dịch tễ học. Phân tích rủi ro áp dụng cho an toàn sinh học ở trang trại heo là phương pháp thu thập và đánh giá thông tin về các rủi ro an toàn sinh học liên quan đến việc đưa mầm bệnh vào đàn mẫn cảm.

Phương pháp và thuật ngữ được phát triển cho công tác chuẩn hóa điều tra ổ dịch mượn rất nhiều từ phương pháp phân tích rủi ro và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) của ngành công nghiệp thực phẩm. HACCP có nguồn gốc từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ (NASA) vào những năm 1960. Nó được thiết kế là một phương pháp đảm bảo chất lượng có hệ thống nhằm xác định các rủi ro an toàn thực phẩm và đảm bảo thực phẩm đi cùng các phi hành gia không bị vấy nhiễm. NASA đã làm việc với các kỹ sư chế biến trong ngành công nghiệp thực phẩm để phát triển một phương pháp đảm bảo tạo ra các sản phẩm thực phẩm an toàn bằng cách phân tích và giám sát quá trình sản xuất thay vì sản phẩm tạo ra. Việc nhấn mạnh vào việc phân tích và giám sát các rủi ro an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất là điều khiến cho HACCP có thể phù hợp với việc phân tích các rủi ro an toàn sinh học trong chăn nuôi heo.

Cách thức chuẩn để điều tra ổ dịch trong những ca nhiễm thực tế nhằm nhận diện và đặt mức ưu tiên cho các rủi ro an toàn sinh học cũng như việc thực hiện các biện pháp kiểm soát an toàn sinh học nhằm giải quyết các rủi ro sẽ được thảo luận trong bài viết sau.