Hệ vi sinh vật và năng suất của heo - Hệ vi sinh vật lúc cai sữa. Phần 4

Matheus Costa
29-Th3-2024 (Trước đó 7 tháng 25 ngày)

Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi loạt bài báo này của chúng tôi về việc hệ thống lại những hiểu biết hiện tại về hệ vi sinh vật và năng suất của heo. Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, các chiến lược được thực hiện đã cho thấy tác động có lợi đối với hệ vi sinh vật đường ruột của heo. Ở đây chúng ta sẽ tập trung vào một chiến lược quản lý đơn giản có thể tác động đến giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời của heo con: giai đoạn cai sữa.

Không có gì ngạc nhiên khi các nhà chăn nuôi heo và các bác sĩ thú y cho rằng cai sữa là thời gian đầy thử thách đối với heo con. Căng thẳng của việc cai sữa bao gồm thay đổi chế độ ăn, ghép với các nhóm heo khác nhau và có khả năng phải di chuyển heo đến các chuồng/trang trại/khu vực/quốc gia khác nhau! Trên hết, cai sữa cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt khả năng miễn dịch thụ động. Heo con được thúc đẩy để nhanh chóng thích nghi với môi trường, chế độ ăn mới và… hệ vi sinh vật mới?

Sự thay đổi căn bản nhất trong hệ vi sinh vật đường ruột của heo xảy ra vào lúc cai sữa. Điều này được chứng minh khi nghiên cứu tính đa dạng beta trên heo con từ khi sinh ra đến khi cai sữa (Hình 1). Để nhắc lại, đa dạng beta là phép đo mức độ giống nhau giữa các mẫu. Ví dụ: có bao nhiêu vi khuẩn hiện diện trong hệ vi sinh vật của heo con trong ngày đầu tiên chào đời và vào 21 ngày tuổi? Vì vậy, BẤT KỲ biện pháp nào giúp heo thích nghi với cuộc sống sau cai sữa cũng đều quan trọng. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng việc thay đổi chế độ ăn từ sữa lỏng, giàu lactose sang thức ăn rắn chứa các nguồn carbohydrate khác đã ảnh hưởng đến việc hình thành những thay đổi về enzyme đường ruột trong quá trình cai sữa. Tóm lại, chúng tôi quan sát thấy hoạt động của lactase giảm dần và hoạt động của amylase, maltase và sucrase tăng lên. Hệ vi sinh vật đường ruột cũng cần thích nghi với môi trường mới và nguồn dinh dưỡng mới này. Cũng giống như vật chủ, các vi sinh vật được nuôi dưỡng bằng các chất di chuyển qua lòng dạ dày ruột. Điều thú vị là, nghiên cứu gần đây nhất cho thấy kết quả khác với những gì đã thấy ở những loài khác, đó chính là hệ vi sinh vật của heo con khỏe mạnh hoặc có năng suất cao sẽ kém đa dạng hơn so với heo con bị tiêu chảy hoặc có năng suất kém.

Scatter plot showing the associations between the microbiome composition of pigs

Chúng ta có thể hỗ trợ hệ vi sinh vật đường ruột của heo trong quá trình cai sữa bằng cách nào?

Cho heo con tiếp xúc với thức ăn rắn trước khi cai sữa (cho ăn thức ăn tập ăn) có thể giúp cấy hệ vi sinh vật đường ruột với các vi sinh vật có thể đáp ứng nhanh chóng hơn với những thay đổi do cai sữa. Về cơ bản, thức ăn tập ăn cho phép vi khuẩn sử dụng các nguồn năng lượng khác ngoài lactase để bắt đầu tăng sinh, do đó làm thay đổi đặc điểm chức năng của hệ vi sinh vật đường ruột (điều này chúng ta đã thảo luận trong Phần 3). Nó đẩy nhanh quá trình trưởng thành của hệ vi sinh vật và tăng sự đa dạng của hệ vi sinh vật, giảm các đợt tiêu chảy trong tuần đầu tiên sau cai sữa và dường như làm tăng khả năng tăng trọng lâu dài (Choudhury và cộng sự, 2021. Shim và cộng sự, 2005. Want và cộng sự, 2019. Frese và cộng sự, 2015). Có những khác biệt rõ ràng do các công thức thức ăn khác nhau, nhưng nhìn chung việc cho ăn thức ăn tập ăn dường như giúp chuẩn bị tích cực cho đường ruột và hệ vi sinh vật đường ruột trước những thay đổi khi cai sữa (và sau cai sữa). Một ví dụ tương tự, khi quan sát hành vi sống của heo nuôi thả/hoang dã, chúng ta có thể nhận thấy rằng con non của chúng tiếp xúc với chất bẩn và thức ăn khác, điều này tạo điều kiện cho hệ vi sinh vật đường ruột của chúng phát triển. Thức ăn tập ăn cũng ủng hộ khái niệm về khả năng phục hồi của hệ vi sinh vật (như đã thảo luận trong Phần 3 của loạt bài này). Sau sự xáo trộn liên quan đến việc cai sữa, những heo con được cho ăn thức ăn tập ăn có ít sự thay đổi rõ rệt hơn về đặc điểm hệ vi sinh vật đường ruột. Nói cách khác, hệ vi sinh vật của chúng có khả năng phục hồi tốt hơn trước sự xáo trộn này.

Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để điều tra tác động của prebiotic, probiotic, symbiotic và postbiotic đối với sức khỏe và năng suất của heo. Những thay đổi lâu dài đối với hệ vi sinh vật đòi hỏi phải đưa vào/loại bỏ các vi sinh vật cụ thể nhiều lần, như chúng ta đã thảo luận trong Phần 2. Điều quan trọng cần lưu ý là kết quả từ những nghiên cứu như vậy thường không được lặp lại. Điều này có thể là do những lý do đã được thảo luận trong Phần 1 – và cách chúng tôi lặp lại các phương pháp phân tích để xác minh các phát hiện.