Bổ sung flavonoid từ cam quýt: một giải pháp thay thế oxit kẽm trong khẩu phần cho heo cai sữa?

Paniagua, M., Villagómez-Estrada, S., Crespo, F. J., Pérez, J. F., Arís, A., Devant, M., & Solà-Oriol, D. (2023). Citrus Flavonoids Supplementation as an Alternative to Replace Zinc Oxide in Weanling Pigs’ Diets Minimizing the Use of Antibiotics. Animals, 13(6), 967. https://doi.org/10.3390%2Fani13060967

07-Th9-2023 (Trước đó 1 năm 3 tháng 15 ngày)

Oxit kẽm ở liều lượng dược lý, cùng với các loại kháng sinh khác nhau, đã được sử dụng để giảm tỷ lệ mắc các vấn đề trên đường tiêu hóa. Ngày nay, mối lo ngại ngày càng tăng về khả năng kháng kháng sinh của vi khuẩn đã dẫn đến việc cấm sử dụng oxit kẽm để phòng bệnh trong khẩu phần cho heo con ở EU. Vì các flavonoid trong cam quýt có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm nên các hợp chất này có thể trở thành một giải pháp thay thế phù hợp cho việc sử dụng oxit kẽm khi cai sữa. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá hiệu quả của việc bổ sung flavonoid từ cam quýt và amoxicillin như một phương pháp thay thế cho việc sử dụng oxit kẽm cùng với một số loại kháng sinh khác ở heo con cai sữa. Tổng cộng có 252 heo cai sữa ([LargeWhite × Landrace] × Pietrain) được phân bổ theo trọng lượng cơ thể (5,7 kg ± 0,76) vào 18 chuồng (6 chuồng trên mỗi khẩu phần ăn, 14 con/chuồng). Ba khẩu phần thử nghiệm cho giai đoạn Prestarter (0–14 ngày sau cai sữa) và Starter (15–35 ngày sau cai sữa) đã được chuẩn bị bao gồm: 1) Đối chứng: khẩu phần không dùng thuốc; 2), ZnO: Khẩu phần đối chứng bổ sung oxit kẽm 2500 mg/kg, amoxicillin 0,3 mg/kg và apramycin 0,1 mg/kg; 3), Flavonoid: Khẩu phần ăn đối chứng bổ sung chiết xuất flavonoid từ cam quýt ở mức 0,3 mg/kg và amoxicillin ở mức 0,3 mg/kg. Trọng lượng cơ thể heo, tăng trọng bình quân ngày, lượng ăn vào bình quân ngày và tỷ lệ chuyển hóa thức ăn được đánh giá ở ngày thứ 7, ngày thứ 14 và ngày thứ 35. Các mẫu mô ruột, phân và huyết thanh được thu thập từ 18 heo con vào ngày thứ 7.

Nhóm thử nghiệm flavonoid đã đạt được trọng lượng cơ thể và mức tăng trọng bình quân ngày cao hơn trong giai đoạn starter và toàn bộ thời gian thử nghiệm so với chế độ ăn đối chứng, trong khi heo ăn khẩu phần ZnO cho kết quả trung gian. Phân tích mô ruột cho thấy những con heo được cho ăn khẩu phần ăn flavonoid biểu hiện quá mức các gen liên quan đến chức năng hàng rào bảo vệ, enzyme tiêu hóa và vận chuyển chất dinh dưỡng so với những con heo được cho ăn chế độ ăn đối chứng. Sự gia tăng số lượng các giống vi khuẩn như Succinivibrio, Turicibacter Mitsuokella đã được quan sát thấy trong nhóm heo ăn chế độ có flavonoid so với heo con đối chứng và heo con ăn chế độ ZnO. Việc sử dụng khẩu phần ZnO và flavonoid làm tăng biểu hiện TAS2R39, trong khi heo nhóm ZnO cũng biểu hiện TAS2R16 lớn hơn ở ruột so với nhóm ăn khẩu phần đối chứng. Việc cho ăn khẩu phần có flavonoid đã cải thiện chức năng đường ruột, có thể giải thích việc năng suất cao hơn vào cuối giai đoạn cai sữa.

Do đó, việc bổ sung flavonoid từ cam quýt, cùng với amoxicillin, là một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn cho việc sử dụng oxit kẽm cộng với amoxicillin và apramycin ở heo cai sữa, giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh.