Cho ăn chính xác trên heo có năng suất cao (1/2)

Bruno SilvaMateus Ferreira GonçalvesRodrigo de Lima Domingos
23-Th6-2023 (Trước đó 1 năm 6 tháng 15 ngày)

Việc thiết lập một chương trình dinh dưỡng phù hợp cho heo có năng suất cao đòi hỏi phải xem xét các yếu tố di truyền, nhu cầu dinh dưỡng, các yếu tố ảnh hưởng đến những nhu cầu này và sự hiểu biết về sự tương tác trao đổi chất giữa kiểu gen, dinh dưỡng, sinh sản và môi trường. Sự hiểu biết này là cần thiết nếu như chúng ta muốn đạt được cả năng suất xuất chuồng và tuổi thọ cao ở heo nái sinh sản.

Cho ăn chính xác trong giai đoạn choai đến xuất chuồng

Trong các hệ thống sản xuất truyền thống, heo trong giai đoạn choai đến xuất chuồng thường được nuôi nhốt theo nhóm và được cho ăn cùng một khẩu phần trong một khoảng thời gian nhất định. Chế độ ăn trong giai đoạn này thường được xây dựng để đáp ứng nhu cầu cao nhất của động vật trong nhóm (Hauschild và cộng sự, 2010). Hình 1 cho thấy nhu cầu lysine của từng con heo (các màu mỏng) và mức lysine tối thiểu của heo được nuôi theo hệ thống cho ăn ba giai đoạn, theo Hauschild và cộng sự (2010). Aymerich và cộng sự (2020), trong khi đánh giá heo từ 28 đến 63 kg, đã quan sát thấy rằng những con heo nhỏ hơn sử dụng lysine trong chế độ ăn hiệu quả hơn so với những con heo có trọng lượng cơ thể cao hơn.

lysine requirements of individual pigs. Hauschild et al.

Những dữ liệu này cho thấy rằng việc sử dụng chất dinh dưỡng là khác nhau giữa các động vật trong cùng một quần thể. Theo nghĩa này, các biến số như trọng lượng, thời gian trong mỗi giai đoạn, tuổi và giới tính ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng thức ăn trong trang trại (Gaillard và cộng sự, 2020). Vì lý do này, trong các hệ thống cho ăn truyền thống, không thể tránh khỏi việc vật nuôi bị cho ăn quá mức, gây hại cho hệ thống sản xuất và môi trường, do mức độ bài thải nitơ và phốt pho cao (Pomar và cộng sự, 2010).

Đối mặt với thách thức này, dinh dưỡng chính xác trở thành một công cụ để cải thiện việc điều chỉnh thức ăn được cung cấp cho động vật, có tính đến sự thay đổi về nhu cầu dinh dưỡng của từng cá thể.

Hiện nay, một số chiến lược dinh dưỡng được sử dụng để giảm thiểu ảnh hưởng của việc lãng phí chất dinh dưỡng, chủ yếu trong các giai đoạn tăng trưởng. Những chiến lược này bao gồm việc tăng số lượng khẩu phần được cung cấp trong cùng một khoảng thời gian và thay đổi thành phần của chúng theo độ tuổi của vật nuôi.

Tuy vậy, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng phương pháp tiếp cận này có thể giảm tối đa 3% chi phí thức ăn (Pomar và Remus, 2019). Trong khi đó, việc thiết lập chế độ ăn tùy chỉnh hàng ngày có thể kiểm soát các biến đổi liên quan đến thời gian và động vật, dẫn đến việc giảm từ 8% đến 10% chi phí (Andretta và cộng sự, 2014, 2016a).

Việc xác định hiệu quả của các chất dinh dưỡng có sẵn trong nguyên liệu thức ăn, công thức chính xác của khẩu phần ăn và xác định nhu cầu dinh dưỡng của từng con vật phải được xem xét khi phát triển các chương trình cho ăn chính xác (Pomar và cộng sự, 2009).

Hơn nữa, để triển khai hệ thống một cách chính xác, cần thu thập dữ liệu tự động cùng với việc xử lý các dữ liệu này theo chiến lược kiểm soát đã được thiết lập, cũng như các hoạt động liên quan đến kiểm soát hệ thống - thường thông qua sự hỗ trợ của các trạm cho ăn tự động (Gaillard và cộng sự, 2020). Liên quan đến vấn đề này, phương pháp cho ăn chính xác nhằm mục đích cung cấp các chất dinh dưỡng gần đúng với tỷ lệ chính xác liên quan đến nhu cầu hàng ngày của động vật, cả về số lượng và thành phần của chế độ ăn. Điều này đòi hỏi phải quy định một chế độ ăn linh động, đáp ứng các nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của vật nuôi dựa trên đặc điểm cá thể của chúng.

Andretta và cộng sự (2016b) đã đánh giá heo trong giai đoạn xuất chuồng và các nghiên cứu này đã cho thấy việc sử dụng dinh dưỡng chính xác, có thể giảm lượng tiêu thụ lysine trên mỗi con lên đến 26% và do đó giảm được chi phí thức ăn khoảng 10% trên mỗi con.

Cùng nhóm tác giả này cũng đã quan sát thấy trong nghiên cứu trước đó việc thay đổi từ hệ thống cho ăn truyền thống sang hệ thống cho ăn chính xác đã làm giảm 22% mức bài thải nitơ và giảm 27% mức bài thải phốt pho.

Những dữ liệu này cung cấp bằng chứng cho thấy dinh dưỡng chính xác không chỉ cải thiện năng suất hấp thu chất dinh dưỡng mà còn giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường do bài thải nitơ và phốt pho (Pomar và Remus, 2019).

Dinh dưỡng chính xác là một công cụ cải thiện hiệu quả sản xuất tổng thể. Mặc dù việc triển khai loại công nghệ này có chi phí cao hơn, nhưng một số kết quả khoa học đã chỉ ra rằng các chương trình dinh dưỡng chính xác mang lại lợi ích cho vật nuôi, môi trường và trên hết là cho nhà chăn nuôi vì chúng có thể giảm lãng phí chất dinh dưỡng trong khi duy trì năng suất, giúp tối ưu hóa sản xuất và tăng lợi nhuận, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế khó khăn.