"Trăm nghe không bằng một thấy" khi nói đến an toàn sinh học trong trại

Carmen Alonso García-Mochales
07-Th9-2022 (Trước đó 2 năm 3 tháng 15 ngày)

Kiểm soát dịch bệnh tiếp tục là một trong những lĩnh vực thách thức nhất đối với các nhà chăn nuôi heo và bác sĩ thú y ngành heo trên toàn thế giới. Các mối đe dọa như sự xâm nhập của một dòng virus đặc hữu trong một khu vực (ví dụ PRRS) hoặc sự xuất hiện của một bệnh xuyên biên giới có độc lực cao (ví dụ ASF) là những yếu tố quan trọng làm cho an toàn sinh học hiệu quả trở thành một trong những biện pháp số một để bảo vệ bất kỳ cơ sở chăn nuôi heo nào. Phát triển và duy trì một chương trình an toàn sinh học tốt là rất quan trọng để kiểm soát dịch bệnh cho mọi trại. Bài viết này là bài thứ hai trong series tập trung vào sự phân chia ranh giới các khu trong trại. Ở đây chúng tôi sẽ mô tả ba video minh họa cách thực hiện di chuyển thích hợp giữa một số khu sạch và dơ chính. Trong mỗi video, khu dơ sẽ được biểu thị bằng màu xám, khu sạch sẽ được biểu thị bằng màu trắng và màu đỏ sẽ biểu thị một sự kiện vấy nhiễm tiềm ẩn.

Đi vào trại

Lối vào kiểu Đan Mạch bao gồm một băng ghế dài đóng vai trò như một rào cản giữa khu sạch và khu dơ của trại. Trong video đầu tiên, vị khách của chúng ta đến trại bằng ô tô. Đôi bàn tay và đôi giày được tô đỏ của anh ấy là dấu hiệu cho thấy chúng có khả năng bị vấy nhiễm. Bên ngoài trại được coi là khu dơ. Băng ghế là điểm mốc cho thấy cần phải thay giày để vào khu trung gian hoặc khu "chỉ cho mang tất/vớ". Điều quan trọng là khi tháo giày ra, đôi chân không mang giày không được dẫm lên khu 'dơ’ bên ngoài. Như vậy, sẽ ngăn chặn sự giao nhau giữa các khu vực và có thể gây vấy nhiễm cho quần áo và ủng của trại. Quần áo bên ngoài nên được treo ở khu vực dơ của trại nếu có thể. Hoặc tối thiểu là chúng phải được cởi ra và treo ở khu trung gian. Sau quy trình vệ sinh tay, khách có thể tiến hành mặc quần áo sạch của trại và mang giày sạch của trại được cung cấp phía bên khu sạch. Cần phải thực hiện các buổi đào tạo về cách vào trại và thiết kế các biển báo rõ ràng dễ hiểu cho từng khu vực hướng dẫn phải làm gì, việc này rất hữu ích cho nhân viên trại và khách thăm trại. Nếu cần thiết, hãy xem xét dịch chúng sang các ngôn ngữ khác nhau để giải thích rõ ràng hơn.

Khu xuất heo

Việc xuất heo để vận chuyển ra thị trường có thể gây căng thẳng cho heo cũng như cho người lùa. Các khu xuất bán có thiết kế kém làm tăng tỷ lệ can thiệp của người lùa, gây căng thẳng cho cả heo và người, thời gian xuất heo lâu hơn và từ quan điểm an toàn sinh học, khả năng mắc sai lầm cao hơn. Trong video thứ hai, một chiếc xe tải có khả năng bị vấy nhiễm đến khu xuất bán của trại. Tài xế xe tải và người lùa heo đứng ở vị trí của mình ở hai bên của ranh giới dơ-sạch được đánh dấu bằng một đường thẳng đứng. Người lùa heo ở lại phía sạch của khu xuất bán và lùa heo sang xe tải trong khi tài xế ở phía bên kia và nhận heo. Khu xuất bán thiết kế tốt sẽ cho phép heo di chuyển dễ dàng theo hướng chính xác mà ít phải can thiệp. Việc ngăn cản heo và người qua lại giữa khu sạch và khu dơ sẽ giảm thiểu nguy cơ vấy nhiễm từ xe tải đến trại.

Hàng rào chu vi

Hàng rào chu vi của trại là tuyến phòng thủ đầu tiên kiểm soát sự di chuyển của người, phương tiện và động vật, đặc biệt là heo rừng, từ khu vực có kiểm soát giao thông xung quanh trại heo. Để hoạt động tốt, hàng rào chu vi phải bao bọc xung quanh tất cả các nhà nuôi của trại, phải được bảo trì tốt, không có khoảng trống và không được có cây cỏ. Tốt nhất, nên chôn xuống đất ở độ sâu 18 cm, hoặc tối thiểu là phải tiếp xúc với mặt đất. Vì đây là rào cản chính, nên cần phải kiểm tra toàn bộ hàng rào ít nhất một lần một tháng. Trong video thứ ba, tình trạng sai sót trên hàng rào (tức là cổng đã mở) đã cho phép động vật hoang dã xâm nhập vào khu vực hạn chế. Sự kiện này làm tăng nguy cơ truyền bệnh vào trại chính do để vấy nhiễm khu vực tiếp giáp trực tiếp với chuồng nuôi.