Một phương pháp đơn giản để tăng lượng sữa non cho heo con mới sinh

Chantal Farmer
20-Th3-2023 (Trước đó 1 năm 7 tháng 13 ngày)

Sữa non rất cần thiết cho sự sống còn và phát triển của heo con mới sinh (Hình 1) vì nó là nguồn năng lượng duy nhất và cung cấp miễn dịch thụ động từ heo mẹ thông qua các globulin miễn dịch. Hơn nữa, sữa non có chứa các hormone, yếu tố tăng trưởng, enzyme, vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển bình thường của heo con. Sữa non được tiết ra trong khoảng 24 giờ sau khi sinh, sau đó trở thành sữa chuyển tiếp cho đến 72 giờ sau sinh, để cuối cùng trở thành sữa (Bảng 1). Sự khác biệt này là do những thay đổi mạnh mẽ trong thành phần của sữa diễn ra trong thời kỳ đầu cho con bú. Có sự giảm rõ rệt nồng độ protein, globulin miễn dịch và các yếu tố tăng trưởng và tăng hàm lượng chất béo, đường lactose và năng lượng.

Bảng 1. Thành phần của sữa non, sữa chuyển tiếp và sữa trong những giờ và ngày sau khi đẻ.

Thành phần Sữa non Sữa chuyển tiếp Sữa
0 h 12 h 24 h 36 h 72 h 17 ngày
Protein (%) 17.7 12.2 8.6 7.3 6.1 4.7
Chất béo (%) 5.1 5.3 6.9 9.1 9.8 8.2
Lactose (%) 3.5 4.0 4.4 4.6 4.8 5.1
Vật chất khô (%) 27.3 22.4 20.6 21.4 21.2 18.9
Năng lượng (kJ/100g) 260 276 346 435 468 409
Globulin miễn dịch G (mg/mL) 64.4 34.7 10.3 -- 3.1 1.0

Hiện nay, hầu hết heo nái không sản xuất đủ sữa đầu để đảm bảo sự phát triển tối ưu của heo con. Heo con sơ sinh nặng 1,4 kg nên được bú tối thiểu 250 g sữa non để đảm bảo tăng trưởng. Lượng sữa non được tiết ra rất khác nhau giữa heo nái này với heo nái khác và bị ảnh hưởng bởi nồng độ lưu thông của các hormone khác nhau. Oxytocin là một hormone thường được sử dụng trong các chuồng đẻ để giúp đẩy nhanh quá trình đẻ nhưng nó cũng có vai trò quan trọng đến chất lượng sữa trong thời kỳ đầu tiết sữa. Thật vậy, oxytocin ảnh hưởng đến lượng khoảng hở của các liên kết chéo (tight junctions) giữa các tế bào tuyến vú. Trong giai đoạn sữa non, các liên kết này mở ra cho phép các phân tử lớn như globulin miễn dịch truyền trực tiếp từ máu heo nái vào sữa non (Hình 2). Sau khi sinh, các liên kết này dần dần trở nên chặt chẽ hơn và cuối cùng là không thẩm thấu, do đó làm thay đổi các thành phần trong sữa và kết thúc giai đoạn sữa non.

Mammary tight junctions during the colostral phase

Gần đây, một thử nghiệm đã được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghiệp và Lương thực Sherbrooke của Canada để nghiên cứu vai trò tiềm năng của oxytocin nhằm kéo dài giai đoạn cho sữa non. Hai mươi heo nái lứa thứ hai (giống Yorkshire X Landrace) được chia thành hai nhóm thí nghiệm. Heo nái hoặc được tiêm nước muối sinh lý (đối chứng) hoặc được tiêm liều cao oxytocin (75 IU) 4 lần trong thời kỳ đầu cho con bú. Mũi tiêm đầu tiên được tiêm từ 12 đến 20 giờ (trung bình là 16 giờ) sau khi heo con cuối cùng ra đời, sau đó tiêm 2 lần/ngày vào lúc 08h00 và 16h30, tổng cộng 4 mũi tiêm. Các ổ đẻ được chuẩn hóa thành 11 ± 1 heo con/ổ vào ngày thứ 2 (ngày 1 là ngày đẻ) và heo con được cân hai lần vào ngày thứ 2 (cách nhau 8 giờ cố định) và một lần vào ngày 7, 14, 21 (cai sữa vào ngày 22) và ngày 35 sau sinh. Heo con đang bú mẹ không được tiếp xúc với thức ăn tập ăn. Bốn mẫu sữa đã được thu thập, hai mẫu vào ngày thứ 2 của chu kỳ tiết sữa (sáng và chiều) và một mẫu vào ngày thứ 4 và 5 của chu kỳ tiết sữa. Thành phần về vật chất khô, năng lượng, chất béo, protein, kháng thể IgG và IgA, năng lượng, chất béo, natri, kali cũng như nồng độ của yếu tố tăng trưởng IGF-1 đã được xác định.

Ngay sau 8 giờ từ lần tiêm oxytocin mũi đầu tiên, đã có sự khác biệt lớn về thành phần sữa do thí nghiệm. Sữa của heo nái ở lô thí nghiệm chứa nhiều protein, IgG và IgA, yếu tố tăng trưởng IGF-1 và năng lượng cao hơn so với sữa của heo nái đối chứng. Tỷ lệ nồng độ natri/kali cũng cao hơn nhiều, cho thấy độ mở lớn hơn (tức khả năng tính thấm) giữa các liên kết chéo giữa các tế bào tuyến vú. Những khác biệt này chỉ là tạm thời vì chúng không còn xuất hiện vào ngày thứ 4 của chu kỳ tiết sữa. Tăng trọng của heo con không khác nhau giữa các nhóm thí nghiệm nhưng có xu hướng tỷ lệ tử vong trước cai sữa thấp hơn ở những lứa heo nái được tiêm oxytocin. Điều quan trọng cần đề cập là số lượng lứa đẻ được sử dụng không đủ lớn để có thể đưa ra bất kỳ kết luận nào về ảnh hưởng của việc tiêm oxytocin lên năng suất.

Chúng ta có thể kết luận từ nghiên cứu này rằng một lần tiêm oxytocin liều cao trong 16 giờ sau khi kết thúc quá trình đẻ sẽ kéo dài giai đoạn sữa non. Điều này dẫn đến sự cải thiện chất lượng sữa trong thời kỳ đầu heo nái cho con bú. Việc tăng nồng độ globulin miễn dịch và yếu tố tăng trưởng IGF-1 trong sữa đặc biệt quan trọng vì chúng có tác động tích cực đối với tình trạng miễn dịch và sự phát triển của hệ thống tiêu hóa ở heo con sơ sinh. Đây là một phát hiện mới, và liều tối thiểu oxytocin cần thiết để tạo ra những tác động tích cực như vậy cũng như tác động của oxytocin đối với năng suất và sức khỏe của heo nái và heo con vẫn chưa được thiết lập.