Quy trình ghép chéo: một vấn đề phức tạp để có tiêu chuẩn chung

Josep CasanovasJosep Gasa
17-Th7-2023 (Trước đó 1 năm 5 tháng 5 ngày)

Bài báo đã được bình luận

Vande Pol KD, Bautista RO, Harpe H, Shull CM, Brown CB, Ellis M. Ảnh hưởng của sự khác biệt trọng lượng sơ sinh trong cùng một ổ heo con sau khi ghép chéo xét về tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ chết của heo con trước khi cai sữa. Khoa học động vật tịnh tiến. 2021; 5(3): txab039. https://doi.org/10.1093/tas/txab039

Đọc bản tóm tắt bài báo

Bình luận học thuật, bởi Josep Gasa

Ghép chéo, được hiểu là chuyển heo con từ nái này sang nái khác trong những giờ đầu sau khi đẻ, là cách làm phổ biến ở các khu nái đẻ. Đối với các trang trại không dùng giống cao sản với tình trạng sức khỏe tốt, quy tắc là cân bằng số lượng heo con giữa các ổ đẻ, giảm thiểu sự thay đổi giữa các nái. Tuy nhiên, sự sử dụng nái cao sản đã dẫn đến việc xem xét lại vấn đề này. Nái sinh ra nhiều heo con hơn số lượng vú có sữa, và có trọng lượng sơ sinh trung bình thấp hơn, do đó công tác quản lý ổ đẻ phải được điều chỉnh. Trên thực tế, với nái cao sản, người ta thường sử dụng nhiều nái nuôi hộ hơn, ghép chéo heo con nhiều hơn, và trong một số trường hợp thậm chí phải nuôi heo con bằng sữa thay thế.

Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá tác động của sự biến thiên trọng lượng heo con trong ổ đẻ sau khi ghép chéo đối với trọng lượng cai sữa và tỷ lệ chết giai đoạn theo mẹ. Tổng cộng có 282 nái (ổ đẻ) được sử dụng và chia thành 6 nhóm thử nghiệm: nhóm nhẹ cân (nhóm L, trọng lượng sơ sinh <1,0kg), nhóm trọng lượng trung bình (nhóm M, TLSS từ 1,0 - 1,5kg) hoặc nhóm nặng cân (nhóm H, TLSS >1,5kg), nhóm 50% nhẹ và 50% trung bình (LM), nhóm MH và nhóm LMH. Tất cả nái bắt đầu nuôi con với 14 heo con. Tỷ lệ trung bình của heo con L, M và H trong các nhóm thử nghiệm lần lượt là 15%, 45% và 40%.

Đúng như dự đoán, tốc độ tăng trưởng (g/ngày) cao hơn và tỷ lệ chết (%) thấp hơn đáng kể ở heo con nặng cân, tiếp theo là heo con trung bình và nhẹ cân. Heo con nhẹ phát triển tốt nhất khi lứa đẻ đồng đều. Trong các lứa heo ghép hỗn hợp (LM, MH và LMH), heo con nhẹ cân hơn sẽ bị ảnh hưởng và heo con nặng cân hơn sẽ được hưởng lợi. Tỷ lệ chết ở heo con nhẹ cân tăng và tỷ lệ chết của heo con nặng cân giảm ở các ổ đẻ ghép hỗn hợp so với các ổ đẻ đồng đều. Nhóm tác giả kết luận rằng cả tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ chết của heo con được phân bổ theo các nhóm trọng lượng sẽ khác nhau tùy thuộc vào sự phân bố trọng lượng sơ sinh của heo con trong nhóm đó.

Trong thực tế, kết quả này chỉ ra rằng việc tạo ra các ổ đẻ đồng đều theo nhóm trọng lượng không làm thay đổi trọng lượng cai sữa của cả ổ nhưng giúp giảm sự biến thiên về trọng lượng cai sữa của heo con trong cùng lô (khoảng biến thiên về trọng lượng cai sữa giữa heo con nhẹ cân và heo con nặng cân sẽ thấp hơn). Tuy nhiên, số lượng heo con thay đổi nái mẹ là 100%, khác xa với điều kiện sản xuất trong thực tế và kết quả này cũng không thể nhân rộng; heo nái mang thai được chích đồng loạt prostaglandin (PGF2α) vào ngày thứ 114 để đẻ vào ngày thứ 115, tình trạng sức khỏe của trại không được mô tả và những con heo con có sức sống kém đã bị loại ngay từ đầu. Mục tiêu của bài báo để khởi xướng một diễn đàn để thảo luận về ghép chéo hơn là để có được một khuyến nghị thực tế dựa trên kết quả nghiên cứu. Trên thực tế, các tác giả thừa nhận khó khăn trong việc đưa ra các thiết kế thử nghiệm phù hợp về mặt sản xuất để có kết quả có ý nghĩa nhằm đưa ra khuyến nghị rõ ràng ở cấp độ sản xuất thương phẩm.

Bình luận tại trang trại, bởi Josep Casanovas

Mục tiêu cuối cùng của tất cả mọi người trong chăn nuôi heo là nâng cao năng suất.

Đối với một trại nái, điều này đồng nghĩa với việc tăng số lượng heo con cai sữa.

Đối với heo nái đẻ nhiều con, khi các nhu cầu của chúng được đáp ứng phù hợp, một phần năng suất sản xuất của trại được xác định tại chuồng nái đẻ. Heo con không chỉ phải được sinh ra mà còn phải trải qua quá trình cai sữa.

Không dừng lại ở đó; khi cai sữa phải đảm bảo không bị thất thoát trong giai đoạn heo choai.

Chúng ta đang có năng suất tốt hơn, nhưng hiệu quả không cao hơn; nhiều heo con bị thất thoát trong quá trình nuôi. Thông thường, trong số heo con tăng thêm, chỉ một nửa trong số đó được nuôi đến xuất thịt.

Bên cạnh những cải tiến trong quản lý đàn nái và mặt khác đó là sử dụng dòng nái cao sản, có nghĩa là số lượng heo con được sinh ra đã liên tục tăng lên.

Số lượng heo con được sinh ra nhiều hơn số lượng vú có sẵn.

Điều này làm cho việc ghép heo con ngày càng trở nên phổ biến. Có vẻ như đây là lựa chọn duy nhất mà chúng ta có để chăm sóc cho heo con. Nên di chuyển heo con khi nào và như thế nào?

Vì lý do này, các nghiên cứu khoa học giúp chúng tôi đưa ra quyết định ở cấp độ sản xuất được đánh giá cao. Không dễ để thực hiện những nghiên cứu này.

Trong trường hợp này, nái được thúc đẻ và tất cả heo con được chuyển đi là hai quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thí nghiệm, làm cho kết quả khó được chấp nhận.

Kích thích đẻ làm thay đổi chất lượng của heo con được sinh ra và việc sản xuất sữa non. Không còn nghi ngờ gì nữa, núm vú tốt nhất cho heo con là của mẹ nó.

Chúng ta phải lưu ý rằng nhiều người nghĩ mỗi heo con có một núm vú riêng, vì vậy có vẻ như sự hiện diện của nhiều heo con hơn núm vú sẽ làm bất lợi những con yếu nhất. Nhưng điều này không đúng hoàn toàn, khi số heo con nhiều hơn số núm vú mỗi heo con sẽ không có một núm vú riêng và heo con học cách chia sẻ. Một số heo nái có 14 núm vú vẫn có thể cai sữa được 16 heo con.

Cũng cần lưu ý rằng, quy trình sản xuất không kết thúc sau khi heo con cai sữa mà kết thúc khi heo được xuất chuồng. Để giai đoạn tăng trưởng được suôn sẻ, tình trạng sức khỏe là yếu tố then chốt.

Để duy trì sức khỏe tốt, tất cả chúng ta đều biết không nên trộn lẫn các nguồn heo là quan trọng như thế nào. Điều này phải được thực hiện tại chuồng đẻ.

Di chuyển nhiều heo con trong chuồng đẻ có thể giúp cải thiện năng suất trong giai đoạn này, nhưng chắc chắn sẽ làm phức tạp về năng suất trong giai đoạn choai.

Tình hình hiện tại với các chủng PRRS độc lực cao, nhiều vấn đề hơn sau khi cai sữa, hạn chế sử dụng kháng sinh, mối quan tâm ngày càng tăng đối với các điều kiện phúc lợi động vật, v.v. khuyến khích chúng ta thay đổi chiến lược làm việc tại chuồng đẻ.

Bây giờ cái chúng ta đang tìm là ít heo con hơn, nhưng chất lượng hơn.

Tóm tắt bài viết đã bình luận

Vande Pol KD, Bautista RO, Harpe H, Shull CM, Brown CB, Ellis M. Ảnh hưởng của sự khác biệt trọng lượng sơ sinh trong cùng một ổ heo con sau khi ghép chéo xét về tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ chết của heo con trước khi cai sữa. Khoa học động vật tịnh tiến. 2021; 5(3): txab039. https://doi.org/10.1093/tas/txab039

Phương pháp: Ghép chéo thường được sử dụng trong chăn nuôi heo thương phẩm để cân bằng số heo trong mỗi ổ đẻ và/hoặc điều chỉnh trọng lượng sơ sinh của heo con trong các ổ đẻ. Tuy nhiên, có rất ít thông tin được công bố về quy trình ghép chéo tối ưu. Nghiên cứu này đã đánh giá tác động của sự thay đổi trọng lượng sơ sinh trong ổ đẻ sau khi ghép chéo (sử dụng các ổ đẻ 14 heo con) đối với tỷ lệ chết trước cai sữa (PWM) và trọng lượng cai sữa (WW) của heo con. Một bố trí thí nghiệm RCBD (bố trí kiểu khối nhiều yếu tố) đã được sử dụng (các yếu tố theo dõi là ngày đẻ và lứa đẻ, điểm thể trạng và số núm vú chức năng) với sự sắp xếp hai nhóm thử nghiệm sau: (1) phân loại trọng lượng sơ sinh (BWC): nhẹ (<1,0 kg), trung bình (1,0 đến 1,5 kg) hoặc nặng (1,5 đến 2,0 kg); (2) thành phần ổ đẻ: đồng đều, tất cả heo con trong ổ có cùng một BWC [nhẹ đều (14 heo con nhẹ); trung bình đều (14 heo con vừa); nặng đều (14 heo con nặng)]; hỗn hợp, heo con trong ổ từ hai BWC trở lên [L+M (bảy con nhẹ và bảy con trung bình); M+H (bảy con vừa và bảy con nặng); L+M+H (ba con nhẹ, sáu heo vừa và năm con nặng)]. Heo con được cân vào lúc 24 giờ sau khi sinh và được phân ngẫu nhiên vào các nhóm trong BWC; tất cả heo con được ghép nuôi. Có 47 khối, mỗi khối 6 ổ đẻ (tổng số 282 ổ đẻ và 3.948 heo con). Trọng lượng cai sữa được thu thập ở 18,7 ± 0,64 ngày tuổi; tất cả heo con chết trước cai sữa được ghi lại. Dữ liệu trọng lượng cai sữa (WW) và tỉ lệ chết trước cai sữa (PWM) được phân tích lần lượt bằng PROC MIXED và PROC GLIMMIX của SAS; mô hình phân tích hỗn hợp các yếu tố bao gồm nhóm trọng lượng sơ sinh (BWC), thành phần trong ổ đẻ, sự tương tác cũng như các tác động ngẫu nhiên của nái trong khối.

Kết quả: Có tương tác thành phần ổ đẻ theo nhóm trọng lượng sơ sinh BWC (P ≤ 0,05) đối với trọng lượng cai sữa (WW) và tỉ lệ chết trước cai sữa (PWM). Trong mỗi nhóm TLSS, trọng lượng cai sữa thường tăng và tỉ lệ chết trước cai sữa thường giảm khi trọng lượng các heo con trong cùng ổ giảm. Ví dụ, trọng lượng cai sữa lớn nhất (P ≤ 0,05) đối với heo con nhẹ trong ổ nhẹ đều, heo con trung bình trong lứa L+M và heo con nặng trong lứa L+M+H. Tỷ lệ chết trước cai sữa thấp nhất (P ≤ 0,05) đối với heo con trung bình ở lứa L+M và heo con nặng ở lứa L+M+H; tuy nhiên, thành phần heo con trong ổ đẻ không ảnh hưởng (P > 0,05) đến tỉ lệ chết trước cai sữa đối với heo con nhẹ cân.

Kết luận: Việc tăng trọng lượng sơ sinh trung bình của những con cùng ổ sau khi ghép chéo thường làm giảm trọng lượng cai sữa và tỉ lệ chết trước cai sữa đối với heo con ở tất cả các nhóm trọng lượng sơ sinh. Điều này ngụ ý rằng cách tiếp cận tối ưu để ghép chéo nhằm tối đa hóa tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống sót của heo con trước khi cai sữa có thể sẽ khác nhau tùy thuộc vào sự phân bố trọng lượng sơ sinh của ổ.