6 tháng 1, 2025/ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn/ Trung Quốc.
http://www.moa.gov.cn
Đến năm 2030, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, gia cầm và thủy sản của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng, thúc đẩy sự gia tăng không thể tránh khỏi trong nhu cầu sử dụng ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Trung Quốc hướng tới việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm ngũ cốc trong ngành chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả và tiết kiệm nguồn lương thực. Các giải pháp bao gồm mở rộng nguồn cung, tối ưu hóa cơ cấu ngành, tăng cường hỗ trợ khoa học công nghệ, cải thiện tỷ lệ chuyển hóa thức ăn, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và tối ưu hóa hiệu quả sản xuất của toàn ngành chăn nuôi.
Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy công nghệ sản xuất khẩu phần ăn ít protein và giảm sự phụ thuộc vào bã đậu nành bằng cách thay đổi công nghệ phối trộn thức ăn chăn nuôi. Việc bổ sung một lượng vừa đủ các axit amin tổng hợp cân bằng vào thức ăn có thể giúp giảm tới 20 triệu tấn bã đậu nành và các loại ngũ cốc dùng làm thức ăn khác mà không làm tăng chi phí thức ăn cho heo và gia cầm.
Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ áp dụng giải pháp thay thế để đa dạng hóa và mở rộng các nguồn nguyên liệu thay thế nhằm tận dụng tối đa các nguồn protein sẵn có trong nước. Theo khảo sát, một số nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật và các nguồn protein phi truyền thống trong nước vẫn chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả. Việc chế biến và sử dụng các nguồn nguyên liệu này làm thức ăn chăn nuôi theo quy chuẩn có thể giúp tăng nguồn cung nguyên liệu thức ăn giàu protein, thay thế được tới 14 triệu tấn bã đậu nành và các loại ngũ cốc dùng làm thức ăn khác.
Một giải pháp khác mà Trung Quốc đang triển khai là thúc đẩy việc trồng cỏ thay thế ngũ cốc nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lương thực từ các nguồn tài nguyên nông nghiệp hiện có. Dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và phổ biến các giống cỏ dùng làm thức ăn chăn nuôi có chất lượng cao và năng suất cao. Đồng thời, tận dụng hiệu quả diện tích đất nhiễm mặn, đất phèn và các loại đất khác để trồng cỏ, tích cực thực hiện mô hình luân canh ngũ cốc – thức ăn chăn nuôi, từ đó tăng nguồn cung cỏ làm thức ăn cho chăn nuôi cho gia súc và cừu. Về lý thuyết, giải pháp này có thể giúp giảm hơn 14 triệu tấn ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi.