Việc thiết lập chẩn đoán chính xác bệnh là điều bắt buộc để đối phó với một vấn đề lâm sàng ở bất kỳ loài động vật nào. Trong mọi ca bệnh, việc khám lâm sàng là nền tảng quan trọng cho các bước tiếp theo trong cách tiếp cận chẩn đoán.
Các đợt bùng phát dịch bệnh đột ngột đặt ra những thách thức lớn đối với cả người chăn nuôi và bác sĩ thú y, buộc họ phải xác định và giải quyết nguyên nhân của vấn đề để khôi phục tình trạng sức khỏe đàn. Trong những tình huống như vậy, bác sĩ thú y chuyên ngành heo đóng vai trò như một nhà thám tử điều tra, vì họ phải đánh giá nhiều yếu tố có thể góp phần gây ra bệnh trong một bối cảnh phức tạp, liên quan đến mọi khía cạnh như môi trường, dinh dưỡng, an toàn sinh học, dịch tễ, sự hiện diện của nhiều tác nhân gây bệnh và sự tương tác giữa người và heo.
Các bệnh ảnh hưởng trên quy mô toàn đàn thường có nguồn gốc từ các yếu tố truyền nhiễm hoặc do dinh dưỡng (ngộ độc hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng). Phương pháp chẩn đoán đầu tiên do bác sĩ thú y thực hiện luôn bao gồm việc kiểm tra tình trạng lâm sàng và tình hình dịch tễ kỹ lưỡng. Nếu kết quả lâm sàng cho thấy tỷ lệ chết cao hoặc heo bị ảnh hưởng nghiêm trọng, việc mổ khám một số con (chọn những con là đại diện cho tình trạng bệnh) có thể cung cấp vài manh mối về nguyên nhân gây bệnh, hoặc ít nhất giúp loại trừ được một số nguyên nhân nhất định.
Việc mổ khám cần được thực hiện theo trình tự một cách có hệ thống và đầy đủ.
Sự hiện diện của các bệnh tích thường không cung cấp nguyên nhân cụ thể trong hầu hết các ca bệnh, nhưng lại giúp định hướng hoặc thu hẹp danh sách chẩn đoán phân biệt
Ví dụ, các dạng viêm phổi đại thể có thể gợi ý một nhóm các nguyên nhân có khả năng gây ra bệnh, mặc dù trong nhiều trường hợp cần phải tiến hành thêm các xét nghiệm bổ sung (trong phòng thí nghiệm) để xác định rõ ràng.
Các phương pháp phân tích khác nhau giúp xác định các tác nhân gây bệnh tiềm năng (virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm) hoặc độc tố liên quan đến vấn đề lâm sàng. Hiện nay, các phương pháp được sử dụng phổ biến nhất là các xét nghiệm sinh học phân tử như phản ứng chuỗi polymerase (PCR) và các biến thể của nó (định tính, định lượng, chuyên cho DNA hoặc RNA). Ưu điểm lớn nhất của kỹ thuật này là độ nhạy cao (có thể phát hiện lượng rất nhỏ của bộ gen mầm bệnh hoặc gen mã hóa độc tố). Tuy nhiên, đây cũng chính là nhược điểm, vì việc phát hiện đơn thuần một tác nhân gây bệnh hoặc độc tố trong bối cảnh dịch bệnh lưu hành chưa đủ để thiết lập chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh một cách chắc chắn.
Các kỹ thuật xét nghiệm khác như phân lập vi khuẩn (bao gồm cả kháng sinh đồ) vô cùng hữu ích, vì giúp thiết lập chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh và đưa ra phương pháp điều trị khả quan. Mặt khác, các kỹ thuật phát hiện kháng thể là công cụ đánh giá tình trạng bệnh tuyệt vời nhưng lại có khả năng chẩn đoán hạn chế vì sự hiện diện của các kháng thể phụ thuộc vào tình trạng heo tiêm vắc-xin và/hoặc nhiễm bệnh từ môi trường cũng như khả năng miễn dịch mẹ truyền.
Bên cạnh các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm tập trung vào việc xác định tác nhân gây bệnh hoặc độc tố, đánh giá mô bệnh học có thể cung cấp một nền tảng vững chắc để xác định nguyên nhân thực sự của vấn đề lâm sàng. Nói cách khác, việc phát hiện một tác nhân gây bệnh hoặc độc tố cụ thể phải phù hợp với các quan sát lâm sàng, dịch tễ và bệnh tích đại thể, và các phân tích mô bệnh học có thể hỗ trợ một cách chắc chắn để đảm bảo tính nhất quán này.
Một ví dụ điển hình về sự hữu ích của phương pháp đánh giá vi thể là trường hợp phát hiện virus bằng xét nghiệm PCR trong một vấn đề hô hấp, nhưng lại không thấy bệnh tích mô học điển hình do tác nhân này gây ra trên phổi (giả định rằng cá thể heo hoặc nhóm heo được chọn đại diện đúng cho bệnh lý quan sát). Trong tình huống như vậy, cần xem xét lại chẩn đoán nghi ngờ ban đầu và tiến hành điều tra sâu hơn.
Bác sĩ thú y chuyên ngành heo nên coi việc đánh giá mô bệnh học là một công cụ rất có giá trị, ít nhất quan trọng ngang với các kỹ thuật như PCR, phân lập vi khuẩn hoặc phát hiện kháng thể. Phân tích vi thể cung cấp chẩn đoán hình thái, giúp củng cố hoặc bác bỏ những gì đã được xác định thông qua lâm sàng, dịch tễ học hoặc các kết quả xét nghiệm khác, qua đó đóng góp vào việc xác định nguyên nhân và cơ chế gây bệnh của vấn đề lâm sàng. Thông tin tổng hợp này rất quan trọng, bởi nó đóng vai trò như một yếu tố dự báo hiệu quả của các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa đã được triển khai để đối phó với bệnh.
Việc thu thập mẫu để đánh giá mô bệnh học (và các xét nghiệm khác trong phòng thí nghiệm) khá dễ dàng nhưng đòi hỏi phải có kiến thức nhất định về cơ chế sinh bệnh cũng như một số kỹ năng kỹ thuật:
Điều đáng lưu ý, ngoài phân tích mô bệnh học thông thường (dựa trên phương pháp nhuộm hematoxylin và eosin, Hình 2), các xét nghiệm bệnh lý bổ sung khác có thể hỗ trợ hiệu quả trong việc xác định tác nhân gây bệnh.
Các kỹ thuật được sử dụng phổ biến nhất bao gồm hóa mô miễn dịch (Immunohistochemistry - IHC) (Hình 3) và lai tại chỗ (In situ hybridization - ISH) (Hình 4), cho phép phát hiện tác nhân gây bệnh tại vị trí tác động của chúng, hỗ trợ xác nhận vai trò của tác nhân gây bệnh trong bối cảnh lâm sàng và bệnh lý. Bên cạnh đó, còn có các kỹ thuật nhuộm hóa mô khác (Histochemical stains), tuy không đủ để xác định nguyên nhân bệnh cụ thể, nhưng có thể gợi ý về nguyên nhân gây bệnh (ví dụ, nhuộm Groccot để phát hiện nấm trong mô hoặc nhuộm Gram để xác định vi khuẩn gram dương hoặc gram âm).
Tóm lại, đối với bác sĩ thú y chuyên ngành heo, ngoài việc thực hiện các nghiên cứu lâm sàng, dịch tễ học và đánh giá bệnh tích đại thể, còn có thể sử dụng nhiều phương pháp phân tích khác, trong đó đánh giá mô bệnh học có thể giữ vai trò quan trọng. Sự phối hợp hiệu quả giữa bác sĩ lâm sàng và nhà bệnh lý học giúp nâng cao khả năng chẩn đoán, từ đó giúp giải quyết các vấn đề lâm sàng nhanh chóng và hiệu quả hơn.