15 tháng 11, 2024/ FAO.
https://openknowledge.fao.org
Sản lượng thịt toàn cầu dự kiến sẽ đạt 373 triệu tấn (quy đổi trọng lượng thân thịt) vào năm 2024, tăng 1,4% so với năm 2023. Sự tăng trưởng này đến từ dự kiến sản lượng thịt gia cầm và thịt bò sẽ tăng và thịt cừu sẽ tăng nhẹ, trong khi sản lượng thịt heo dự kiến sẽ giảm nhẹ. Dự kiến sản lượng thịt gia cầm sẽ tăng phản ánh nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ do giá cả phải chăng, với biên lợi nhuận chăn nuôi tốt mặc dù có dịch cúm gia cầm độc lực cao bùng phát ở một số vùng sản xuất hàng đầu. Đối với thịt bò, dự kiến nguồn cung trên thế giới sẽ tăng do lượng giết mổ gia súc cao kỷ lục, chủ yếu ở Brazil, do chi phí sản xuất giảm và nhu cầu nhập khẩu toàn cầu mạnh mẽ. Tương tự như vậy, sản lượng thịt cừu dự kiến sẽ tăng do khả năng giết mổ cao hơn ở Úc, sau giai đoạn tái đàn và nhu cầu quốc tế mạnh mẽ. Sản lượng thịt heo toàn cầu dự kiến sẽ giảm nhẹ, chủ yếu đến từ những nỗ lực ở Trung Quốc nhằm hạn chế tăng trưởng sản lượng và nâng cao lợi nhuận của ngành; tuy nhiên, điều này có thể sẽ được bù đắp một phần bởi sản lượng tăng ở những nơi khác.
Sau hai năm suy giảm, thương mại thế giới về thịt và các sản phẩm từ thịt dự kiến sẽ đạt 41,9 triệu tấn vào năm 2024, tăng 3,2% so với năm 2023. Tăng trưởng dự kiến chủ yếu đến từ nhu cầu nhập khẩu thịt bò cao hơn của Hoa Kỳ do nguồn cung nội địa hạn chế, cũng như nhu cầu tiêu dùng tăng ở nhiều nước nhập khẩu khác, do chi phí sinh hoạt đã bớt áp lực. Ngoài ra, nguồn cung xuất khẩu dồi dào từ một số nước sản xuất lớn, kết hợp với việc dỡ bỏ lệnh cấm thương mại liên quan đến bệnh động vật và giảm thuế quan nhằm ổn định giá trong nước, có khả năng sẽ thúc đẩy thương mại thịt toàn cầu. Ngoại trừ thịt bò, lượng thịt nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm vào năm 2024 do nguồn cung nội địa dồi dào và nhu cầu tiêu dùng yếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến.
Giá thịt quốc tế, theo Chỉ số giá thịt của FAO, đã có xu hướng tăng trong suốt năm 2024, mặc dù nguồn cung tăng từ một số quốc gia sản xuất lớn. Sự gia tăng này chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu mạnh mẽ từ một số quốc gia chủ chốt do nguồn cung nội địa hạn chế và điều kiện kinh tế cải thiện. Ngoài ra, các đợt bùng phát dịch bệnh động vật lan rộng và căng thẳng địa chính trị ảnh hưởng đến hậu cần thương mại toàn cầu đã tạo thêm áp lực tăng giá thịt toàn cầu.