Chúng ta càng thực hiện tốt quá trình tách ghép, và quản lý nói chung, trong 24-48 giờ đầu đời, chúng ta càng ít việc phải làm sau đó và thu được kết quả tốt hơn.
Để thực hiện thao tác tách ghép thành công, điều cần thiết là phải bắt đầu với heo con có sức sống mạnh mẽ. Một yêu cầu mà tôi cho là cơ bản là cấm thúc đẻ. Ngày nay, thời gian mang thai của nái dài hơn, trung bình trên 116,5 ngày và con số này khác nhau giữa từng con nái. Khi thúc đẻ có thể thấy heo con có trọng lượng tốt nhưng sức sống kém hơn.
Rõ ràng, chương trình cho ăn là bước cơ bản, nhưng có một mẹo thực tiễn hữu ích là cung cấp oxytocin khi kết thúc quá trình đẻ. Một mặt, nó giúp trục nhau thai ra ngoài, nhưng quan trọng hơn, nó làm tăng và kéo dài quá trình sản xuất sữa non. Thật thú vị khi kết hợp điều này với bước tiếp theo.
Không được chuyển heo con trước khi bú đủ sữa non. Có nghĩa là cho heo con ở cùng với heo mẹ khoảng 24 giờ, hay tối thiểu là 12 giờ “không được thấp hơn” (là khi dây rốn phải khô hoàn toàn). Để đảm bảo mỗi heo con đều bú đủ sữa non, cần phải tách một số heo con ra (chia lượt bú). Một tiêu chí trước khi chuyển heo con là phải thực hiện ba lượt: tách riêng heo con lớn hai lần và heo con nhỏ một lần. Lý tưởng nhất là kết hợp tiêm oxytocin với tách heo con lớn để heo con nhỏ tận dụng lượng sữa non có thêm từ việc dùng hormone.
Ở bước này thì chúng ta cần xem xét vài tiêu chí. Lý tưởng nhất là nên bắt đầu bằng việc đánh giá lý lịch heo nái, số vú chức năng (tiết sữa được), thể trạng, v.v. Mục tiêu là đạt được các ổ đẻ có kích cỡ đàn đồng đều, heo con bú đủ lượng sữa non và có sức sống tốt sao cho sự cạnh tranh giữa chúng diễn ra cân bằng đồng thời kích thích và tận dụng hết sữa của nái.
Chọn heo thích hợp: nếu chúng ta xem đây là một trò chơi, nó giống như trò xếp hình, trong đó chúng ta phải ghép đúng heo con vào heo nái phù hợp.
Ở đây chúng ta phải phân biệt giữa chích sắt, mài răng và các quy trình còn lại. Sắt phải được cung cấp càng sớm càng tốt vì heo con cần sắt để có một khởi đầu tối ưu; có thể thực hiện trong quá trình bắt heo để tách ghép. Việc mài răng phải được thực hiện trước khi ghép nuôi hộ để đảm bảo rằng heo con không làm tổn thương bất kỳ núm vú nào hoặc lẫn nhau khi chúng đánh nhau (có thể làm nhiễm trùng và gây ra các vấn đề khác). Tôi thích mài răng hơn là bấm răng. Tốt hơn là trì hoãn các quy trình còn lại (nếu có cắt đuôi hoặc dùng các sản phẩm thú y khác) cho đến 3-4 ngày sau sinh để không cản trở việc heo con bú mẹ.
Rõ ràng là chúng ta đang nói về những trại có năng suất sinh sản cao, vượt quá 18 con được sinh ra còn sống. Khi bắt đầu tiết sữa, nái sản xuất nhiều sữa hơn lượng sữa mà heo con có thể bú, thậm chí còn nhiều hơn nếu heo con của nó nhỏ. Việc không bú hết sữa hoàn toàn ra khỏi tuyến vú có xu hướng làm chúng hạn chế sản xuất sữa. Sự kích thích càng lớn, sản lượng sữa hiện tại và tương lai của nái càng lớn. Ngoài ra, lúc đầu, heo con bú từ một khu vực bầu vú (nhiều núm cùng một khu vực) chứ không phải một núm cụ thể.
Nên kiểm tra heo con hai lần một ngày và nên đánh dấu những heo con mà chúng ta thấy không có tiến triển. Việc giám sát này là rất cần thiết nếu chúng ta ghép một số lượng lớn heo con vào nái, bởi vì heo con bị còi có thể chết trong vài giờ.
Heo nái tơ thường có năng suất tốt nhất và điều quan trọng là chu kỳ tiết sữa đầu tiên của chúng phải thật tốt để tối đa hóa số lượng núm vú chức năng và sản lượng sữa. Chúng ta sẽ ghép nhiều hơn hai hoặc thậm chí ba heo con so với số vú heo mẹ, và khuyến cáo heo nái đẻ lứa đầu tiên nuôi con ít nhất là 23-24 ngày.
Khi chúng ta có đủ 15 heo con bị còi so với các con heo khác cùng ổ, chúng ta ghép chúng cùng nhau vào một nái nuôi hộ. Khi tìm nái nuôi hộ, tôi muốn giảm thiểu các bước can thiệp cho cả heo nái và heo con, vì vậy nếu có thể, tôi ưu tiên chọn nái sắp cai sữa để làm nái nuôi hộ. Tiêu chí chọn nái là: nái ăn tốt, thể trạng tốt, tiết sữa tốt, ổ đẻ đồng đều. Theo kinh nghiệm của tôi, với khả năng sinh sản là 18,6 con sinh ra còn sống, chúng tôi thường để trống 20% ô đẻ để chừa cho nái nuôi hộ. Bằng cách này, những con heo con được sinh ra trong cùng một tuần sẽ chuyển đi trong cùng một tuần.
Việc ghép heo con ngược lại cho những nái đẻ trễ hơn bị cấm trong mọi trường hợp.
Chúng ta càng thực hiện tốt việc ghép heo ngay từ đầu thì chúng ta càng ít việc phải làm trong thời kỳ nuôi con và càng ít phải di chuyển heo con giữa các ổ đẻ. Cần phải giám sát liên tục để loại bỏ những heo con không phát triển kịp cùng bầy, nhưng nói chung chúng ta đang nói nhiều hơn về việc loại bỏ hơn là "đổi con này lấy con khác". Những thay đổi sau 7 ngày liên quan đến việc heo con chuyển sang nái nuôi hộ. Bằng cách này, những heo con bị còi sẽ được cứu bằng một con nái "tốt" thay vì làm tổn hại những heo con khoẻ trong cùng nhóm (mẻ) sinh sản. Nếu chúng ta đang thực hiện nhiều việc ghép heo sau 7 ngày đầu tiên, cần phải tự hỏi liệu chúng ta có nên thay đổi điều gì không.
Để cai sữa với số lượng nhiều nhất các heo con có chất lượng, nhất thiết phải có chiến lược quản lý và tách ghép heo con cùng với chương trình dinh dưỡng và giám sát sức khỏe heo nái.
Có nhiều yếu tố cần xem xét để thực hiện quy trình tách ghép một cách chính xác. Ở đây tôi chỉ tập hợp các tiêu chí chính dựa trên kinh nghiệm thực tế của tôi. Khả năng quan sát và hành động của nhân viên là yếu tố then chốt và ngày càng quan trọng khi các chỉ số năng suất sinh sản tăng lên.