Tiêm bổ sung sắt mũi thứ hai cho heo con theo mẹ giúp cải thiện nồng độ hemoglobin, năng suất tăng trưởng và đặc điểm quầy thịt khi giết mổ

Chevalier TB, Lyons W, Paczosa DB, Rentfrow GK, Lindemann MD. A second iron injection administered to piglets during lactation improves hemoglobin concentration, growth performance, and carcass characteristics at slaughter. Journal of Animal Science. 2023; 101: skad270. https://doi.org/10.1093/jas/skad270

31-Th10-2024 (Hôm nay)

Một thí nghiệm đã được tiến hành để đánh giá tác động của mũi tiêm sắt dextran thứ hai vào ngày tuổi thứ 6 đến ngày thứ 8.

Phương pháp: Tổng cộng 144 con heo lai (gồm heo đực thiến và heo cái; bắt đầu từ 6 đến 8 ngày tuổi; trọng lượng ban đầu = 2,86 ± 0,01 kg) được chia thành hai nhóm: nhóm đối chứng và nhóm thử nghiệm (được tiêm bổ sung sắt). Heo được ghép cặp theo giới tính và trọng lượng trong mỗi lứa, sau đó được phân ngẫu nhiên vào nhóm thử nghiệm trong từng cặp. Tất cả heo đều nhận một liều tiêm bắp đầu tiên cung cấp sắt dextran (200 mg Fe) trong vòng 24 giờ sau sinh. Những heo thuộc nhóm thử nghiệm nhận liều sắt dextran thứ hai (200 mg Fe) vào ngày thứ 6 đến ngày thứ 8. Tất cả heo được cai sữa vào ngày thứ 22 đến 25, sau đó nuôi nhốt 6 con mỗi ô chuồng và được cho ăn theo khẩu phần ngô – bã đậu nành. Trọng lượng cơ thể và lượng thức ăn ăn vào được ghi nhận mỗi 2 tuần. Nồng độ hemoglobin được đo vào lúc sinh, bắt đầu thí nghiệm (ngày thứ 6 đến 8), cai sữa, khi kết thúc giai đoạn cai sữa và lúc kết thúc thí nghiệm. Lúc kết thúc thí nghiệm, 1 con heo/ô chuồng (n = 12 con heo/nhóm) có trọng lượng gần với giá trị trung bình của ô chuồng nhất được chọn và giết nhân đạo để đo đặc điểm thân thịt. Mỗi con heo được coi là một đơn vị thí nghiệm đối với các số liệu về trọng lượng cơ thể, hemoglobin, mức tăng trọng bình quân ngày và đặc điểm thân thịt, trong khi ô chuồng là đơn vị thí nghiệm cho các số liệu về lượng thức ăn ăn vào hàng ngày và tỷ lệ tăng trọng/thức ăn.

Kết quả: Heo được tiêm bổ sung sắt có lượng hemoglobin cao hơn khi cai sữa (lần lượt là 13,1 so với 10,7 g/dL) và vào cuối giai đoạn cai sữa (lần lượt là 12,1 so với 11,7 g/dL) so với heo nhóm đối chứng. Trong giai đoạn vỗ béo, heo được tiêm bổ sung sắt có mức tăng trọng bình quân ngày (0,94 kg) cao hơn so với heo nhóm đối chứng (0,91 kg). Nhìn chung, heo được tiêm 2 mũi sắt có mức tăng trọng bình quân ngày tăng khoảng 4% từ khi cai sữa đến khi kết thúc nghiên cứu. Sự cải thiện về mức tăng trọng bình quân ngày từ khi cai sữa đến khi kết thúc nghiên cứu được quan sát thấy ở nhóm thử nghiệm cho thấy heo được tiêm thêm sắt có trọng lượng cơ thể nặng hơn vào cuối nghiên cứu (~3 kg; P = 0,04). Khi giết mổ, heo được tiêm thêm sắt có phần thịt thăn nặng hơn khoảng 7,2% so với heo nhóm đối chứng.

Kết luận: Việc tiêm bổ sung mũi sắt thứ hai giúp tăng lượng hemoglobin khi cai sữa và khi kết thúc giai đoạn cai sữa cũng như cải thiện năng suất tăng trưởng từ khi cai sữa đến khi kết thúc nghiên cứu và tăng trọng lượng thân thịt khi giết mổ.