31 tháng 10, 2022/ Cục chăn nuôi/Việt Nam. http://cucchannuoi.gov.vn
31-Th10-2022 (Trước đó 2 năm 1 tháng 21 ngày)Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho biết tại Tọa đàm “Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững, hiệu quả”, thức ăn chăn nuôi là một vấn đề lớn, bởi đang chiếm khoảng 65-70% tổng chi phí sản xuất. Theo khảo sát của Cục Chăn nuôi, 269 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cần khoảng 32 triệu tấn nguyên liệu, nhưng nguồn cung trong nước mới đáp ứng khoảng 35%.
Chăn nuôi được đánh giá là trụ đỡ lớn của nông nghiệp, với mức tăng trưởng bình quân đạt 4,5 – 4,6%/năm trong suốt 10 năm qua. Cũng giai đoạn này, sản lượng thịt các loại tăng 1,7 lần, trứng tăng 2,7 lần, sữa tươi tăng 4 lần, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng hơn 2 lần. Sản lượng thịt, trứng, sữa cơ bản đáp ứng nhu cầu của gần 100 triệu người dân và 17 triệu khách du lịch hàng năm; góp phần đưa chăn nuôi chiếm 25,2% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp.
Hiện nay, năng suất ngô lấy hạt của Việt Nam mới dừng ở khoảng 5 tấn/ha, chưa bằng một nửa so với năng suất của các nước như Mỹ, Brazil hay Argentina (khoảng 10-11 tấn/ha). Ngoài ra, các hộ trồng ngô còn gặp rào cản về diện tích gieo trồng nhỏ lẻ. Chiến lược chăn nuôi sẽ chuyển đổi nhiều diện tích đất kém hiệu quả. Chúng ta không thể để tình trạng xuất khẩu 3 tỷ USD lúa gạo nhưng lại nhập khẩu 6 tỷ USD thức ăn chăn nuôi kéo dài. Muốn vậy, bên cạnh chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa, người dân còn cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để xây dựng các chuỗi, ông Chinh phân tích.
Với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, lãnh đạo Cục Chăn nuôi khuyến cáo tăng cường nuôi con bản địa, đặc sản. Nếu trồng ngô để giải quyết một phần vấn đề thức ăn chăn nuôi, người dân nên chọn những giống ngô lai có năng suất tốt và kháng bệnh.