Cắn đuôi đã được công nhận là một vấn đề mới nổi trong chăn nuôi heo. Ở châu Âu, việc cắt đuôi được thực hiện ở các trang trại chăn nuôi heo để giảm tỷ lệ tổn thương đuôi. Tuy nhiên, quy trình này chỉ nên được áp dụng như biện pháp cuối cùng vì cần phải xem xét tác động tiêu cực của phương pháp này đối với phúc lợi động vật. Trong quá trình kiểm tra thân thịt, việc đánh giá tổn thương đuôi có thể gặp khó khăn và dẫn đến việc đánh giá thấp về tần suất cắn đuôi trên thực tế. Nghiên cứu này nhằm đánh giá hiện tượng cắn đuôi ở heo đã giết mổ, phân tích mối liên hệ giữa tổn thương đuôi với hệ thống chăn nuôi và chiều dài đuôi, tìm ra mối quan hệ giữa các phát hiện sau khi giết mổ, tỷ lệ loại bỏ thân thịt với tổn thương đuôi, đồng thời đánh giá tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống chấm điểm phân loại đuôi chi tiết hơn, bao gồm cả mô sẹo.
Thông tin của 9189 con heo từ 73 nhóm có độ dài đuôi khác nhau (đã cắt toàn bộ đuôi, cắt nửa chiều dài đuôi và còn nguyên đuôi) và các hệ thống chăn nuôi khác nhau (chăn nuôi truyền thống, truyền thống không sử dụng thuốc kháng sinh và chăn nuôi hữu cơ) đã được thu thập tại một lò mổ ở Tây Ban Nha. Tỷ lệ loại bỏ toàn bộ hay một phần thân thịt đã được ghi nhận. Do tốc độ của dây chuyền giết mổ nên chỉ có thể phân loại một tập hợp con gồm 3636 con được phân loại đuôi theo hai điểm: điểm tổn thương (liên quan đến tổn thương đuôi gần đây) và điểm sẹo (đánh giá sự hiện diện của mô sẹo từ vết thương đã lành ở đuôi).
Khả năng quan sát thấy các tổn thương ở đuôi thay đổi theo chiều dài đuôi, heo còn nguyên đuôi có tỷ lệ xuất hiện các tổn thương nghiêm trọng cao hơn khi so sánh với những con heo có độ dài đuôi ngắn hơn. Các nhóm heo có điểm tổn thương cao hơn có nguy cơ bị loại bỏ toàn bộ thân thịt cao hơn và cho thấy mối liên hệ chặt chẽ tới điểm sẹo. Nguyên nhân chính dẫn đến việc loại bỏ toàn bộ thân thịt là do nhiễm trùng huyết (pyaemia). Pyaemia bị ảnh hưởng bởi các tổn thương ở đuôi và thậm chí còn có mối quan hệ chặt chẽ hơn với điểm sẹo. Xác suất bị loại bỏ một phần và xác suất bị loại bỏ một bộ phận do có áp xe tăng đáng kể với điểm sẹo cao hơn. Về hệ thống chăn nuôi, các trang trại hữu cơ có xác suất bị loại bỏ toàn bộ thân thịt cao hơn so với hai hệ thống chăn nuôi còn lại.
Nghiên cứu này kết luận rằng mô sẹo có mối quan hệ chặt chẽ với các phát hiện sau khi giết mổ và việc loại bỏ toàn bộ/một phần thân thịt, cho thấy mô sẹo có sự liên quan nhiều hơn so với các tổn thương gần đây. Điều này chứng tỏ rằng mô sẹo nên được đưa vào chương trình giám sát đuôi. Cần phải nâng cấp phương pháp chấm điểm tổn thương hiện tại đối với tổn thương ở đuôi để giúp xác định các thân thịt có nguy cơ bị loại bỏ, đồng thời đóng vai trò như một chỉ số tiềm năng về phúc lợi động vật.