Kể từ lần đầu tiên xuất hiện dịch tả heo châu Phi (ASF) ở Liên minh châu Âu vào năm 2014, năm ngoái là năm đầu tiên số ca mắc bệnh ở heo rừng giảm, từ 12.076 ca năm 2021 xuống chỉ còn 7.282 ca vào năm 2022, giảm 40%.
Ở đàn heo nhà, sau khi tăng mạnh trong năm 2018, năm 2020 số ca mắc giảm so với năm 2019 (-35%). Số ca tăng trở lại vào năm 2021 (+52%) và giảm gần 80% vào năm 2022, từ 1.826 trường hợp xuống còn 379.
Liên quan đến số ca mắc bệnh ở heo rừng, Ba Lan tiếp tục là quốc gia có nhiều ca được báo cáo nhất với 2.152 ca, mặc dù đã giảm 33%. Đức đứng ở vị trí thứ hai với 1.628 ca, dù đã giảm 36% so với năm trước. Số ca cũng giảm đáng kể ở Hungary (-79%) và Slovakia (-67%). Ở Estonia, số ca mắc giảm dần kể từ năm 2017, chỉ có 57 ca được xác nhận vào năm 2022. Ngược lại, số ca mắc tăng ở Latvia (+148%), Litva (+24%), Bulgaria (+22%) và Ý (+ 1747%). Cần lưu ý rằng Ý chỉ báo cáo số ca trên đảo Sardinia, nơi dịch bệnh lưu hành, nhưng vào 1/2022, dịch bệnh đã bùng phát ở phía bắc đất nước, với 277 ca được xác nhận. Cũng đáng chú ý là tình hình ở Cộng hòa Séc, nơi một ca được xác nhận sau hơn 4 năm sạch bệnh.
Xét về số ca mắc bệnh ở heo nhà, Romania tiếp tục là quốc gia có nhiều ca được xác nhận nhất là 329 ca, mặc dù con số này đã giảm 80% so với năm trước. Quốc gia có số ca mắc cao tiếp theo là Ba Lan, năm 2021 có 124 ca và năm 2022 chỉ ghi nhận 14 ca, giảm gần 90%. Các quốc gia còn lại báo cáo số ca nhiễm ASF ở heo nhà từ 2 đến 6 ca được xác nhận ở mỗi quốc gia.
Để biết thêm thông tin ở cấp độ toàn cầu, hãy xem trên bản đồ dịch bệnh ASF.
17 tháng 1, 2023/ Ban biên tập 333 với dữ liệu từ ADIS.