Bệnh hồng lỵ

Bệnh hồng lỵ trên heo do một loại xoắn khuẩn có tên là Brachyspira gây ra và gây ra tình trạng viêm nặng ở ruột già, tiêu chảy ra máu và chất nhầy.

Các tên khác: Brachyspira hyodysenteriae

Thông tin

Bệnh lỵ gây ra bởi một nhóm xoắn khuẩn tán huyết beta mạnh tên là Brachyspira (trước đây gọi là Serpuline hoặc Treponema) hyodysenteriae (tác nhân cổ điển) và B. hampsonii. Những vi sinh vật này gây ra tình trạng viêm nghiêm trọng trong ruột già, gây tiêu chảy ra máu và chất nhầy.

Bệnh thường gặp ở heo từ 12 đến 75 kg, nhưng các trường hợp nghiêm trọng thỉnh thoảng xảy ra ở nái và heo con của chúng.

Brachyspira có thể tồn tại bên ngoài cơ thể heo đến 112 ngày, nhưng nó sẽ chết sau 2 ngày trong môi trường khô và nóng. Có thể lây truyền qua chim, ruồi, chuột và vật truyền bệnh.

Sự lây lan bên trong trại diễn ra chậm. Số lượng heo bị ảnh hưởng tăng lên do vi sinh vật tích tụ trong môi trường. Heo phục hồi hiếm khi bị bệnh trở lại, tuy nhiên kháng thể (IgG và IgA) không tồn tại lâu. Do đó, không có mối quan hệ chặt chẽ giữa mức độ kháng thể và khả năng bảo hộ. Một số nái có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào trong vài tháng và truyền bệnh cho heo con của chúng.

Chi phí cao của bệnh liên quan đến tỷ lệ chết (thấp), tỷ lệ bệnh (cao), giảm tốc độ tăng trưởng, tăng hệ số chuyển đổi thức ăn và chi phí thuốc trộn cám.

Thời gian ủ bệnh trong các trường hợp nhiễm thực địa thường từ 7 đến 14 ngày, nhưng có thể lên đến 60 ngày. Ban đầu, heo có thể phát triển trạng thái mang trùng phi lâm sàng, và sau đó biểu hiện các triệu chứng nếu chúng gặp phải các điều kiện stress hoặc khi chế độ ăn bị thay đổi.

Triệu chứng

Nái

  • Các triệu chứng lâm sàng ở nái không thường thấy, trừ khi bệnh xuất hiện lần đầu tiên ở trại.

Heo con theo mẹ

  • Có thể bị lỵ cấp tính nghiêm trọng.
  • Phân lỏng màu nâu nhạt, có hoặc không có máu và chất nhầy.
  • Thể trạng kém.
  • Nái là vật mang trùng không có triệu chứng.

Heo cai sữa và heo choai

Các triệu chứng đầu tiên là:

  • Tiêu chảy ra nước làm ố vùng da quanh hậu môn.
  • Ban đầu tiêu chảy có màu nâu nhạt, đặc sệt như gel, nhầy và có lẫn máu.
  • Tóp hai bên sườn.
  • Biếng ăn.
  • Trong một số trường hợp thì đột tử.

Khi bệnh tiến triển:

  • Máu có thể xuất hiện với lượng tăng dần khiến phân có màu sẫm và giống như hắc ín.
  • Heo nhanh chóng chán ăn, suy nhược cơ thể.
  • Mất nước.
  • Heo gầy ốm với đôi mắt trũng sâu.

Nguyên nhân / Yếu tố đóng góp

  • Heo bị nhiễm bệnh do ăn phải phân bị vấy nhiễm.
  • Bệnh lây truyền từ heo mang trùng (bao gồm cả nái đẻ) bài thải vi sinh vật theo phân trong thời gian dài.
  • Lây truyền cơ học qua phân bị nhiễm bệnh trong thiết bị, xe tải cám bị vấy nhiễm, ủng và chim.
  • Có thể lây truyền qua ruồi, chuột, chim và chó.
  • Stress do chế độ ăn uống bị thay đổi có thể gây ra bệnh.
  • Vệ sinh kém và độ ẩm cao.
  • Mật độ đông đúc.

Chẩn đoán

  • Các dấu hiệu lâm sàng: tiêu chảy có máu và chất nhầy.
  • Mổ khám - bệnh giới hạn ở ruột già.
  • Nuôi cấy vi khuẩn đặc biệt và xác định xoắn khuẩn tán huyết beta mạnh.
  • PCR mẫu phân.

Kiểm soát/Phòng ngừa

  • Các sản phẩm sau có thể được sử dụng để điều trị: salinomycin, tiamulin, lincomycin, tylosin, monensin.
  • Một số chủng B. hyodysenteriae đã phát triển đề kháng với những loại kháng sinh này.
  • Khi có dấu hiệu đầu tiên của bệnh, phải pha thuốc nước với lincomycin, tiamulin hoặc tylosin trong ít nhất 7 ngày.
  • Những con heo bị ảnh hưởng nặng nhất phải được điều trị bằng lincomycin, tiamulin hoặc tylosin.
  • Thuốc trộn cám chỉ giúp ngăn ngừa sự phát triển của bệnh lâm sàng.
  • Giữ vệ sinh và kiểm soát chuột là điều tối quan trọng để kiểm soát sự lây truyền, đặc biệt là khi nó nằm trong kế hoạch tiệt trừ mầm bệnh này.
  • Có hai lựa chọn thông thường để tiệt trừ dịch bệnh: xoá đàn và tái đàn với những con nái không bị bệnh, hoặc tiệt trừ bệnh mà không xoá đàn. Cả hai phương pháp đều tốn kém và tỷ lệ thành công không phải là 100%, đặc biệt là với lựa chọn thứ hai.
  • Tất cả hậu bị thay thế phải có nguồn gốc từ trại âm tính với bệnh hồng lỵ.

Điều trị

  • Kiểm soát động vật gặm nhấm và động vật hoang dã.
  • Hệ thống cùng vào cùng ra.
  • Vệ sinh sát trùng toàn bộ các phòng.
  • Không ghép heo lẫn lộn.
  • Có thể sử dụng thuốc kháng sinh để kiểm soát bệnh nhưng cần sử dụng lâu dài và có thể khá tốn kém.
  • Xoá đàn và tái đàn các trại nhiễm bệnh.
  • Tất cả các hậu bị thay thế phải có nguồn gốc từ trại âm tính với bệnh lỵ.
  • Vaccine có mặt ở một số khu vực và có thể có lợi (đặc hiệu theo serotype).
Bạn chưa đăng ký vào danh sách nhận 333 trong 3 phút

Bản tin tuần với tất cả các cập nhật trên 3tres3.com

Đăng nhập và đăng ký vào danh sách

E-diagnostics (Chẩn đoán điện tử)

Công cụ chẩn đoán bệnh heo

Truy cập

Atlas bệnh học

Hình ảnh của các bệnh chính trên heo

Truy cập