Bài viết đã bình luận
Vande Pol KD, Tolosa AF, Shull CM, Brown CB, Alencar SAS, Ellis M. Effect of drying and warming piglets at birth on preweaning mortality. Translational Animal Science. 2021; 5(1): txab016. doi: 10.1093/tas/txab016
Bình luận học thuật, bởi Josep Gasa
Mặc dù nghiên cứu được thực hiện trên 800 ổ đẻ và hơn 10.000 heo con, nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc đưa ra kết luận chắc chắn khi xem xét các khía cạnh chăn nuôi trong khu đẻ.
Mục tiêu ban đầu của nghiên cứu là xác định hiệu quả của việc làm khô và cung cấp nhiệt bổ sung cho ổ heo con lúc mới sinh đối với trọng lượng cai sữa và tỷ lệ chết trước khi cai sữa. Nghiên cứu bao gồm 2 nhóm:
- Nhóm đối chứng
- Nhóm thử nghiệm (làm khô heo con lúc mới sinh và sưởi ấm ở 36,7 ºC trong 30 phút).
Heo con được cân lúc mới sinh và khi cai sữa, tỷ lệ chết trong giai đoạn theo mẹ được ghi nhận lại. Heo con của 10% số nái được đo nhiệt độ trực tràng lúc mới sinh và 30 phút sau khi sinh. Nhiệt độ của chuồng đẻ cũng được ghi lại.
Kết quả ban đầu cho thấy sau 30 phút, nhiệt độ trực tràng của heo con trong nhóm thử nghiệm cao hơn 2,33°C so với nhóm đối chứng. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến tỷ lệ chết trước khi cai sữa hay trọng lượng cai sữa; thậm chí, trọng lượng cai sữa của nhóm thử nghiệm còn có xu hướng thấp hơn một chút (5,23 kg so với 5,35 kg).
Tiếp theo, nhóm nghiên cứu đã phân tích hai yếu tố biến thiên mới:
a) Các lứa đẻ được chia thành hai nhóm tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường trung bình của chuồng đẻ:
- <25 ºC, môi trường mát mẻ
- >25 ºC, môi trường ấm áp
b) Heo con của mỗi ổ được phân loại thành:
- Nhẹ (<1 kg)
- Trung bình (1 - 1.5 kg)
- Nặng (>1.5 kg)
Khi phân tích lại tác động thử nghiệm (nhóm đối chứng so với nhóm thử nghiệm), nhóm thử nghiệm chỉ làm giảm đáng kể tỷ lệ chết trước khi cai sữa trong môi trường mát mẻ (14,8% so với 17,2%) nhưng không có tác dụng trong môi trường ấm áp (16,2% so với 15,9%), trong khi trọng lượng cai sữa của heo con nhóm thử nghiệm không bị ảnh hưởng và cao hơn ở môi trường mát mẻ so với môi trường ấm áp (5,77 so với 4,98). Những kết quả này chỉ ra rằng việc làm khô heo con lúc mới sinh và sưởi ấm (ở 36,7 oC) trong 30 phút có lợi cho sự sống sót của heo con trong những giờ/ngày sau khi đẻ chỉ trong chuồng đẻ có nhiệt độ trung tính hoặc dưới mức tối ưu (<25 oC), trong khi nhiệt độ cao hơn (>25 oC) trong phòng đẻ sẽ làm suy giảm sự phát triển của heo con.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến cả tỷ lệ chết trước khi cai sữa và trọng lượng cai sữa của heo con chính là trọng lượng sơ sinh. Bất kể phương pháp thử nghiệm nào, tỷ lệ chết trước cai sữa sẽ dao động trong khoảng từ 44,6% đến 8,2% đối với heo con nhẹ cân và nặng cân, và trọng lượng cai sữa đạt 3,73 kg ở heo con nhẹ cân và đạt 5,86 kg ở heo con nặng cân.
Tóm lại, việc làm khô và sưởi ấm thêm cho heo con lúc mới sinh chỉ được khuyến khích ở những trang trại có heo con sơ sinh nhẹ cân, tình trạng này rất phổ biến ở những con nái cao sản, và ở những chuồng đẻ có nhiệt độ không tối ưu vào thời điểm heo đẻ; điều này có thể xảy ra ở nhiều trang trại vào mùa đông, lưu ý rằng thử nghiệm này được tiến hành ở Indiana (Hoa Kỳ) từ tháng 4 đến tháng 11/2018.
Bình luận trên trang trại, bởi Josep Casanovas
Đây là một nghiên cứu rất thú vị nhằm làm sáng tỏ các hoạt động quản lý mà chúng ta luôn xem là không thể thiếu.
Trong thế giới động vật có vú, có hai nhóm chính: nhóm đầu tiên là những loài sinh ra đã phát triển đầy đủ và có thể sống độc lập ở mức độ nhất định, chẳng hạn như bê, cừu, v.v.; nhóm thứ hai là những loài chưa phát triển hoàn chỉnh khi chào đời, như con người, chuột, mèo, chó, v.v.
Những loài động vật có vú cái sinh ra con non chưa phát triển hoàn chỉnh cần có một tổ úm mô phỏng môi trường trong tử cung cho đến khi con non phát triển đầy đủ.
Vậy heo thuộc nhóm nào trong hai nhóm kể trên?
Khi mới sinh, heo con chưa thể tự lập hoàn toàn; chúng cần khoảng 3 ngày để hoàn thiện quá trình phát triển và trở nên tương đối độc lập.
Hai nhóm động vật rất khác nhau được nuôi trong chuồng đẻ; heo nái nặng hơn 220 kg và heo con nặng từ 1 đến 10 kg.
Động vật có đặc điểm khác nhau có nhu cầu về môi trường khác nhau. Heo con được nuôi trong chuồng đẻ cần có ổ, nơi nghỉ ngơi có nhiệt độ khoảng 30ºC trong tuần đầu tiên chào đời.
Ở động vật có vú, quá trình sinh nở là thời điểm quan trọng đối với sự sống còn của cả mẹ và con.
Khi sinh ra, cơ chế điều hòa nhiệt độ của con non sẽ bắt đầu lần đầu tiên, nhưng điều này xảy ra vào thời điểm chúng không có năng lượng dự trữ.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sinh nở, con non được sinh ra cực kỳ gầy, không có mô mỡ, để có thể đi qua ống sinh dễ dàng nhất. Mô mỡ là kho dự trữ năng lượng.
Hầu hết các loài động vật có vú cái liếm con non của chúng sau khi sinh để làm khô và kích thích con non bắt đầu bú.
Sữa non, ngoài việc chứa đầy đủ các kháng thể để bảo vệ con non khỏi các vấn đề truyền nhiễm có thể xảy ra, còn chứa nhiều nguồn năng lượng để heo con bắt đầu phục hồi năng lượng càng sớm càng tốt.
Việc làm khô và hấp thụ sữa non là chìa khóa để đảm bảo sự sống còn của heo con mới sinh.
Heo nái không liếm heo con khi chúng được sinh ra vì nó không thể làm điều đó. Sự chênh lệch về kích thước có thể dẫn đến việc đè chết heo con. Heo nái không có khả năng vươn mũi tới phần sau cơ thể của mình như chó cái.
Vào thế kỷ trước, hơn 40 năm trước, Peter English đã thực hiện các phép đo nhiệt độ trực tràng ở heo con sơ sinh trong những giờ đầu sau khi sinh. Tất nhiên, kết quả rất giống với kết quả của nghiên cứu hiện tại.
Khi mới sinh, nhiệt độ trực tràng của heo con rơi vào khoảng 38,7 ºC. Điều này hợp lý vì đây là nhiệt độ bình thường của heo nái và heo trưởng thành.
Ba mươi phút sau khi đẻ, heo con không được bất kỳ sự hỗ trợ nào sẽ có nhiệt độ trực tràng là 35,65 ºC (thấp hơn 3 ºC so với nhiệt độ bình thường của heo) và thấp hơn 0,7 ºC so với heo con được làm khô và đặt dưới khu vực úm (37,98 ºC).
Ba độ là một con số lớn. Hãy tưởng tượng một ngày nào đó bạn đo nhiệt độ cơ thể và nó chỉ ra 33,7 ºC thay vì 36,7 ºC.
Bạn sẽ làm gì trong tình huống này? Tôi chắc chắn bạn sẽ khá lo lắng đấy.
Tôi nghĩ có một vài hạn chế quan trọng trong nghiên cứu hiện tại.
Một mặt, nửa giờ sưởi ấm cho heo con mà không được tiếp cận với sữa non có vẻ quá dài, mặt khác, nhiệt độ của khu vực "úm" có lẽ quá cao. Dữ liệu do nghiên cứu cung cấp cho biết nhiệt độ là 37,1 +/- 3,22 ºC dưới nguồn nhiệt trong khi 34 ºC có lẽ là đủ.
Vào thời điểm việc cai sữa hơn 10 heo con mỗi ổ là một thách thức, việc sử dụng giấy báo trong những ngày đầu sau khi sinh giúp tăng số lượng heo con cai sữa thêm một con. Giấy báo được dùng để lau khô heo con và làm lớp lót, cách nhiệt sàn cho chúng và cải thiện cảm giác ấm áp tại nơi heo con nghỉ ngơi thêm vài độ.
Theo nghiên cứu, việc lau khô heo con không chỉ vì mục đích chăm sóc mà còn để đảm bảo cho heo con nhanh chóng phục hồi thân nhiệt, giúp chúng khỏe mạnh và phát triển tốt hơn.
Tóm tắt bài viết đã được bình luậnVande Pol KD, Tolosa AF, Shull CM, Brown CB, Alencar SAS, Ellis M. Effect of drying and warming piglets at birth on preweaning mortality. Translational Animal Science. 2021; 5(1): txab016. doi: 10.1093/tas/txab016 Phương pháp: Nghiên cứu này đánh giá tác động của việc làm khô và ủ ấm heo con khi mới sinh đến tỷ lệ chết trước cai sữa và trọng lượng cai sữa trong điều kiện thương mại. Một thiết kế hoàn toàn ngẫu nhiên đã được bố trí với 802 heo nái/ổ đẻ (10.327 heo con); heo nái/ổ đẻ được phân bổ ngẫu nhiên khi bắt đầu đẻ vào một trong hai Biện pháp can thiệp (áp dụng khi mới sinh): Đối chứng (không làm khô hoặc ủ ấm); Làm khô + Ủ ấm (làm khô bằng chất hút ẩm gốc cellulose và đặt trong khu vực úm dưới đèn sưởi trong 30 phút). Heo con được cân khi mới sinh và khi cai sữa; tỷ lệ chết trước cai sữa đã được ghi lại. Nhiệt độ trực tràng được đo vào lúc 0 và 30 phút sau khi sinh trên tất cả heo con trong một mẫu phụ gồm 10% của các ổ đẻ. Tác động của nhiệt độ chuồng đẻ đối với trọng lượng cai sữa và tỷ lệ chết trước cai sữa đã được đánh giá bằng cách so sánh các ổ sinh ra trong điều kiện nhiệt độ chuồng đẻ MÁT MẺ (<25°C) với các ổ sinh ra trong điều kiện nhiệt độ chuồng đẻ ẤM ÁP (≥25°C). Tác động của trọng lượng khi sinh lên trọng lượng cai sữa và tỷ lệ chết trước khi cai sữa được đánh giá bằng cách so sánh ba loại trọng lượng khi sinh (Nhẹ: <1 kg, Trung bình: 1 đến 1,5 kg hoặc Nặng: >1,5 kg). PROC GLIMMIX và MIXED của SAS được sử dụng để phân tích tỷ lệ chết và các dữ liệu khác. Ổ đẻ là đơn vị thử nghiệm; heo con là một mẫu phụ của ổ đẻ. Mô hình bao gồm các tác động cố định của Biện pháp can thiệp và nhiệt độ chuồng đẻ hoặc các loại trọng lượng khi sinh khi tương ứng, sự tương tác và các ảnh hưởng ngẫu nhiên của ổ đẻ. Kết quả: Nhiệt độ trực tràng của heo con ở 30 phút sau sinh cao hơn ở nhóm được Lau khô + Ủ ấm so với nhóm Đối chứng (+2,33°C). Nhìn chung, không có phương pháp can thiệp nào có tác động đến tỷ lệ tử vong trước cai sữa hoặc trọng lượng cai sữa, không có sự tương tác giữa phương pháp can thiệp với các nhóm trọng lượng sơ sinh trong các phép đo lường này. Tuy nhiên, có sự tương tác giữa phương pháp can thiệp theo nhiệt độ chuồng đẻ đối với tỷ lệ chết trước khi cai sữa. Làm khô và sưởi ấm heo con giúp làm giảm tỷ lệ chết trước cai sữa trong điều kiện MÁT MẺ (2,4%) nhưng không có tác dụng trong chuồng đẻ ẤM ÁP. Ngoài ra, trọng lượng cai sữa thấp hơn trong chuồng có nhiệt độ ẤM ÁP (0,79 kg) so với chuồng đẻ có nhiệt độ MÁT MẺ; tuy nhiên, không có tương tác nào với phương pháp can thiệp. Kết luận: Nghiên cứu này cho thấy việc làm khô và sưởi ấm cho heo con khi mới sinh làm tăng nhiệt độ trực tràng và có thể giảm tỷ lệ chết trước khi cai sữa trong điều kiện mát mẻ, thường gặp ở các vùng khí hậu ôn đới trong suốt phần lớn thời gian trong năm. |