Hội chứng hô hấp phức hợp trên heo (PRDC) là một bệnh hô hấp mãn tính chủ yếu ảnh hưởng đến heo choai và heo xuất chuồng, gây thiệt hại kinh tế lớn cho ngành chăn nuôi heo trên toàn thế giới. Nói chung, tỷ lệ mắc bệnh hô hấp trên heo dao động từ 19% đến 74% ở một đàn bất kỳ. Bất chấp mọi nỗ lực thực hiện để giảm thiểu thiệt hại kinh tế từ các bệnh tích của PRDC, bệnh tích nhục hóa vùng rìa phổi (CVPC) và viêm mặt lưng phổi (DCP) là hai trong số những bệnh tích chính được tìm thấy trên phổi heo khi kiểm tra tại cơ sở giết mổ.
Kiểm tra tại cơ sở giết mổ là cơ hội tốt để theo dõi sức khỏe và phúc lợi đàn heo thông qua việc xác định bệnh tích đại thể của các bệnh lý cận lâm sàng mà ta không thể đánh giá được qua việc quan sát tại trang trại. Hơn nữa, các bệnh tích trên phổi có thể được chấm điểm để cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà chăn nuôi và bác sĩ thú y. Nhiều phương pháp chấm điểm phổi dựa trên việc đánh giá thủ công và trực quan được áp dụng để đánh giá bệnh tích phổi heo tại cơ sở giết mổ. Việc đánh giá các bệnh tích trên phổi tại cơ sở giết mổ rất hữu ích trong việc ước tính tỷ lệ lưu hành và mức độ nghiêm trọng của các bệnh trên đường hô hấp ở đàn heo, phát hiện các heo có trạng thái cận lâm sàng, cung cấp thông tin về các vấn đề hô hấp đang diễn ra và đánh giá các yếu tố nguy cơ cũng như hiệu quả của vắc-xin khi sử dụng tại trại. Cuối cùng, và cũng rất quan trọng đối với ngành công nghiệp chế biến sản phẩm thịt, việc đánh giá các bệnh tích trên phổi có thể được sử dụng để ước lượng ảnh hưởng của các bệnh trên đường hô hấp đến chất lượng quầy thịt và chất lượng thịt [Kinger và cộng sự, 2021, Pessoa và cộng sự, 2021]. Tùy thuộc ở từng quốc gia, các bệnh tích trên phổi là nguyên nhân chính gây ra việc phổi bị loại bỏ và làm giảm tốc độ của dây chuyền giết mổ vì cần phải cắt bỏ nhiều phần quầy thịt hơn. Đã có báo cáo cho rằng CVPC là nguyên nhân trong 50% trường hợp phổi bị cắt bỏ.
Cho đến nay, có rất ít nghiên cứu điều tra về mối liên hệ giữa bệnh trên đường hô hấp và chất lượng thịt heo. Người ta nhận thấy rằng ở những quầy thịt có các bệnh tích phổi nghiêm trọng có nguy cơ làm thay đổi chất lượng quầy thịt trở nên bất thường (DFD: thịt sậm màu, cứng, khô và PSE: thịt nhạt màu, mềm, rỉ dịch) cao hơn đáng kể so với những quầy thịt không có bệnh tích trên phổi. Ngoài ra, có bằng chứng rõ ràng về mối liên quan giữa sự hiện diện của bệnh tích và sự thay đổi điểm màu sắc của thịt, các chỉ số phụ thuộc vào độ pH của thịt như khả năng giữ nước, rỉ dịch, thất thoát khi rã đông và khi nấu (Permetier và cộng sự, 2015; Karabasil và cộng sự, 2017). Các nghiên cứu điều tra mối liên quan giữa sức khỏe trên đường hô hấp của heo giết mổ chủ yếu sử dụng mô hình thống kê để xác định ảnh hưởng của các bệnh tích - thường được tìm thấy khi kiểm tra cơ sở giết mổ - đến trọng lượng quầy thịt và chất lượng thịt.
Tại cơ sở giết mổ, các bệnh tích đại thể trên phổi và viêm phổi màng phổi được chấm điểm chủ yếu bằng các phương pháp thủ công thông thường. Rất ít công ty thương mại cung cấp các sản phẩm như phần mềm kỹ thuật số cho phép đánh giá các bệnh tích này. Phần mềm thường tích hợp các phương pháp chấm điểm thông thường như Madec và Kobisch, Christensen [Christensen và cộng sự, 1999] và SPES (Hệ thống Đánh giá tình trạng Viêm màng phổi tại cơ sở giết mổ) cho phép đánh giá tình trạng phổi một cách nhanh chóng, đáng tin cậy và hiệu quả, với kết quả kỹ thuật số giúp đơn giản hóa việc phân tích dữ liệu thống kê chuyên sâu (Hình 2 và 3 ). Những đánh giá này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân tích chi tiết về tác động của bệnh tích trên phổi đến trọng lượng quầy thịt và chất lượng thịt. Sử dụng các công cụ đánh giá phổi sau khi giết mổ giúp hỗ trợ quá trình đánh giá và phân tích dữ liệu chuyên sâu trở nên dễ dàng hơn.
Cuộc điều tra được tiến hành tại Ba Lan bao gồm dữ liệu từ việc kiểm tra các nhóm heo tại cơ sở giết mổ đến phân tích mô hình hỗn hợp, kết hợp trang trại nguồn như một biến cố định.
Kết quả cho thấy tác động đáng kể của bệnh tích đến trọng lượng quầy thịt và chất lượng thịt.
Mô hình thống kê của phân tích cung cấp đã xác định trọng lượng quầy thịt giảm đáng kể do CVPC và DCP, với mức giảm lần lượt là 2,77 kg (p=0,01) và 2,29 kg (p<0,001). Hơn nữa, mối tương quan giữa tỷ lệ nạc và mức độ bệnh tích phổi là r= -0,25 (p=0,00).
Một phần trăm thể tích phổi bị ảnh hưởng dẫn đến việc giảm 0,24% tỷ lệ nạc.
Nghiên cứu này chứng minh ảnh hưởng tiêu cực của các bệnh tích trên đường hô hấp đến trọng lượng quầy thịt và chất lượng thịt heo, làm bật lên sự tụt giảm rõ ràng này có liên quan với các bệnh tích phổi và viêm mặt lưng phổi. Các phát hiện này chỉ ra rằng các biện pháp tăng cường quản lý bệnh là cần thiết, vì lượng thịt giảm đáng kể cho thấy các biện pháp thực hành hiện tại có thể chưa đủ. Việc sử dụng dữ liệu tại cơ sở giết mổ có thể giúp cho các chiến lược chăm sóc sức khỏe đàn heo diễn ra chính xác hơn bằng cách xác định chính xác các vùng phổi dễ bị tổn thương nhất. Phân tích mô hình kết hợp nhấn mạnh tầm quan trọng của các yếu tố đặc thù của trại, ủng hộ các phương pháp giảm thiểu dịch bệnh phù hợp. Cuối cùng, nghiên cứu đã thúc đẩy việc đánh giá lại việc quản lý sức khỏe trong chăn nuôi heo, kêu gọi nỗ lực chung nhằm cải thiện phúc lợi động vật, từ đó sẽ cải thiện hiệu quả kinh tế của ngành chăn nuôi heo. Tính cấp bách của sự thay đổi bằng hành động là việc đương nhiên, với nghiên cứu ủng hộ việc điều chỉnh chiến lược trong quản lý sức khỏe để kiểm soát những tổn thất về chất lượng quầy thịt.