Tỷ lệ chết của heo nái đã tăng đáng kể trong vài năm qua. Ngày nay, tỷ lệ chết từ 10% trở lên được coi là bình thường. Theo dữ liệu của SIP Consultors, tỷ lệ chết trung bình của heo nái đã vượt quá 15% vào năm ngoái tại Tây Ban Nha, điều này nghĩa là 50% trang trại chăn nuôi ở Tây Ban Nha (ít nhất là những trại có chia sẻ dữ liệu với SIP Consultors) đã có tỷ lệ chết cao hơn mức này. Những gì đang xảy ra ở Tây Ban Nha không khác biệt nhiều so với những gì đang xảy ra ở các nơi khác trên thế giới. Dữ liệu tổng hợp từ các trang trại ở Hoa Kỳ, Canada, Úc và Philippines ước tính tỷ lệ chết trên heo nái là 13,56% vào năm 2021 (Eckberg, 2022) và tất nhiên, đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại. Trong toàn bộ những tổn thất này, chiếm một tỷ lệ đáng kể là nái bị loại thải và một phần khác là do nái chết đột ngột. Nhìn chung, nguyên nhân cụ thể hiếm khi được chẩn đoán chính xác, khiến việc đưa ra các biện pháp giảm thiểu tổn thất trở nên khó khăn.
Để giảm thiểu tỷ lệ chết, điều cần thiết là phải chẩn đoán được nguyên nhân và để làm được như vậy, chúng ta phải trả lời được bốn câu hỏi cơ bản:
- Heo nái chết như thế nào?
- Heo nái nào chết?
- Heo nái chết vào thời điểm nào?
- Heo nái chết ở khu chuồng nào?
Heo nái chết như thế nào?
Điều đầu tiên chúng ta cần xem xét là có phải tỷ lệ chết trên heo nái cao là do việc giết nhân đạo tại trang trại hay không. Theo các quy định về phúc lợi hiện hành, có thể những con heo nái không thể tự đi lại hoặc những con có bệnh tích rất rõ ràng (sa tử cung hoặc trực tràng) không thể đưa đi giết mổ và phải được được giết nhân đạo tại trang trại. Khi chúng ta giải quyết vấn đề heo nái được giết nhân đạo, việc chẩn đoán sẽ đơn giản hơn một chút.
- Nếu heo nái được giết nhân đạo do bị què chân, chúng ta biết heo nái gặp vấn đề gì, nhưng không biết nguyên nhân gây ra chứng què chân. Nhìn chung, các vấn đề về chứng què chân có xu hướng liên quan đến heo nái non: nái đẻ lứa đầu tiên hoặc lứa thứ hai, vì chúng thường liên quan đến những điều diễn ra trong giai đoạn nuôi dưỡng hoặc thích nghi. Chế độ ăn không cân bằng hợp lý trong giai đoạn nuôi dưỡng có thể tạo ra những con heo nái quá nặng cân với sự phát triển xương kém có thể dẫn đến gãy xương (epiphysiolysis hoặc apophysiolysis) hoặc các vấn đề về sụn khớp ở các chi (osteochondrosis). Trong những trường hợp khác, vấn đề bắt nguồn từ các bệnh nhiễm trùng mắc phải trong giai đoạn thích nghi (hoặc sau khi vận chuyển đến trang trại): viêm khớp do mycoplasma hoặc viêm đa thanh mạc có thể gây ra hậu quả làm suy giảm khả năng sinh sản của những con nái bị ảnh hưởng.
- Nếu heo nái được giết nhân đạo do bị sa các cơ quan vùng chậu như: sa tử cung, âm đạo, trực tràng hoặc bàng quang, việc chẩn đoán cũng dễ dàng nhưng việc xác định nguyên nhân để tránh những vấn đề này lại khó hơn. Sự hiện diện của độc tố nấm mốc trong thức ăn có lẽ là nguyên nhân phổ biến nhất, nhưng thực sự có thể có những nguyên nhân khác, trong đó có hạ canxi máu, thiếu máu ở heo nái, thể trạng kém, táo bón, lạm dụng prostaglandin và cho ăn quá nhiều gần thời điểm dự kiến đẻ. Ngoài ra, một số trường hợp có liên quan đến yếu tố di truyền đã được quan sát thấy.
Những loại heo nái nào bị chết?
Tại các trang trại không gặp vấn đề về tỷ lệ chết trên heo nái, tỷ lệ chết sẽ có xu hướng gia tăng theo độ tuổi hoặc số lứa đẻ của heo nái. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2017, nguy cơ chết tăng khoảng 30% từ lứa đẻ đầu tiên đến lứa đẻ thứ bảy, tỷ lệ này cao hơn một chút khi chỉ xem xét những con heo nái chết trong giai đoạn nuôi con. Những con heo nái già hơn có xu hướng gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể dẫn đến chết: viêm nội mạc tử cung, viêm bàng quang-viêm bể thận, tân sinh, sa tử cung, v.v., và đương nhiên với mỗi lứa đẻ tăng lên, khả năng mắc các vấn đề cũng tăng lên.
Trong các trang trại chăn nuôi thương phẩm, heo nái phải sản xuất trong điều kiện tồn tại của nhiều loại bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm như PRRS, PCV2,... Khi tỷ lệ chết tập trung nhiều ở heo nái non, chúng ta cần xem xét những yếu tố có thể ảnh hưởng đến chúng trong quá trình nuôi dưỡng hoặc cách quản lý sức khỏe tại trang trại. Những bệnh truyền nhiễm này thường để lại di chứng mãn tính do biến chứng từ vi khuẩn thứ cấp, có thể gây tổn thương cho hệ hô hấp (viêm màng phổi xơ hóa) hoặc hệ tim mạch (viêm màng bao tim có fibrin, viêm nội tâm mạc thực vật,...). Khi đây là vấn đề chính, heo nái thường gặp nguy hiểm nhất trong thời điểm sinh đẻ, khi nhu cầu oxy tăng cao nhưng khả năng của phổi và tim đã bị suy giảm, dẫn đến nguy cơ chết nếu sức khỏe không được đảm bảo.
Như đã đề cập ở trên, thường thì heo nái non bị giết nhân đạo do vấn đề què chân.
Trong bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu hai câu hỏi then chốt mà ta phải tự hỏi khi đối mặt với vấn đề tỷ lệ chết trên heo nái: "Heo nái chết vào thời điểm nào?" và "Heo nái chết tại khu chuồng nào trong trang trại?"