Một trại thương phẩm quy mô lớn (> 2000 nái) ở miền đông Trung Quốc đã báo cáo về tình trạng bất thường ở một số ổ heo con theo mẹ bị đục mắt và mù. Nái ăn và tiết sữa bình thường. Số lượng heo con chết ngộp và yếu có phần cao hơn mức bình thường và tỷ lệ chết trước cai sữa cao. Quan sát thấy một số lứa trong đó mỗi lứa có vài con heo con bị mù, đục giác mạc và phù mắt. (Hình 1).
Heo mắc bệnh suy nhược, ủ rũ, không bú được. Tỷ lệ sảy thai được báo cáo là có phần tăng lên, nhưng không có sảy thai hàng loạt. Số lượng thai khô đều nằm trong thông số bình thường. Không có dấu hiệu lâm sàng nào khác được báo cáo. Sau khi kiểm tra nhanh hồ sơ giống thì có thể loại trừ nguyên nhân di truyền, vì các dòng di truyền không liên quan nhau trong trại dường như cũng bị ảnh hưởng như nhau.
Chẩn đoán phân biệt bao gồm orthorubrivirus trên heo (bệnh mắt xanh) và nhiễm trùng mắt do vi khuẩn. Bệnh mắt xanh do một loại paramyxovirus gây ra và được cho là bệnh đặc hữu ở một số vùng của Mexico. Virus gây ra bệnh trên hệ thần kinh trung ương, viêm phổi và các vấn đề sinh sản ở heo giống, bao gồm cả viêm tinh hoàn và bệnh tích trên giác mạc ở nọc, nhưng chưa được phát hiện ở Trung Quốc hoặc bất kỳ nơi nào ngoài Mexico. Chẩn đoán sơ bộ bệnh mắt xanh sẽ được thực hiện bằng cách quan sát các dấu hiệu lâm sàng bất thường và được xác nhận bằng PCR và phân lập virus.
Thiếu vitamin A có thể gây ra các bệnh tích nghiêm trọng trên mắt nhưng trường hợp này rất khó xảy ra đối với đàn heo thương phẩm lớn được nuôi theo chế độ ăn hiện đại.
Chẩn đoán
Một trong những con heo mắc bệnh được nhân viên trại huỷ nhân đạo và mổ khám. Các mô tươi và mô xử lí bằng formalin, (gan, hạch bạch huyết, đại não), và mắt tươi của con heo con trong hình (Hình 1) được gửi cho phòng thí nghiệm.
Nhân viên mổ khám không ghi nhận được bất kì bệnh tích đại thể nào ngoài bệnh tích trên mắt. Dịch nội hốc mắt được hút ra từ mắt có vẻ trong và không có gì đặc biệt. Dịch mắt được nhuộm Giemsa cho thấy một vài tế bào đơn nhân và một vài vi khuẩn hình que. Một số ít Escherichia coli không đáng kể được phân lập từ dịch mắt. Như vậy khả năng nguyên nhân do vi khuẩn đã được loại trừ. Các hạch bạch huyết, não và gan ngâm formalin được xử lý bằng phương pháp parafin nhanh cho các phần mô được nhuộm bằng H&E.
Soi não bằng kính hiển vi thấy có viêm não-màng não, co thắt quanh mạch và tăng thần kinh đệm (Hình 2), và thâm nhiễm màng não với hỗn hợp các tế bào viêm đơn nhân và đa nhân trung tính (Hình 3).
Có hoại tử cục bộ ở gan và xuất hiện của các thể vùi nội nhân bắt hai màu (amphophilic) trong mô xung quanh vùng hoại tử (Hình 4). Một chẩn đoán giả định về bệnh giả dại (PRV, Bệnh Aujeszky) được đưa ra.
Thực hiện PCR mẫu thủy tinh thể tạo ra DNA khuếch đại của Suid alphaherpesvirus 1 (Pseudorabies) US8 (“unique-short” 8) gen mã hóa gE, (glycoprotein E) xác nhận sự hiện diện của virus pseudorabies loại hoang dã. Giải trình tự đoạn gen khuếch đại của US8 cho thấy các cụm virus (cluster) được phát hiện với các chủng biến thể mới nổi gần đây của PRV type 2 phổ biến ở Trung Quốc. (Hình 5.)
Đàn heo được biết là có huyết thanh dương tính với kháng thể PRVgE. Những con nái bị nhiễm bệnh trước đó sẽ có huyết thanh dương tính lâu dài với PRV gE và sẽ truyền kháng thể kháng gE cho heo con khiến chúng có huyết thanh dương tính với PRV cho đến 15 tuần tuổi. Do đó, xét nghiệm kháng thể trên heo con không hữu ích để chẩn đoán bệnh khi hầu hết nái có huyết thanh dương tính. Các chẩn đoán dương tính giả với PRV có thể được thực hiện khi không hiểu về sự tồn tại của kháng thể gE của nái mẹ.
Kết quả
Trại cho biết hậu bị dương tính với PRV đã nhập vào đàn sinh sản và mối đe dọa từ đại dịch ASF đã khiến trại không tiêm phòng định kỳ cho bệnh giả dại. Sai sót trong chương trình tiêm phòng PRV đã được giải quyết và trại không báo cáo thêm trường hợp tương tự nào.
Thảo luận
Bệnh giả dại Pseudorabies (PRV), còn được gọi là "Bệnh Aujeszky" (AD), được báo cáo là một bệnh thần kinh gây tử vong ở gia súc vào năm 1813 và thường bị nhầm với bệnh dại ở gia súc và chó. Do tình trạng ngứa dữ dội không ngừng tạo ra do tổn thương dây thần kinh trong mạch thần kinh ngứa, tình trạng này được gọi là "ngứa điên cuồng" nhưng đôi khi nó cũng được gọi là "liệt bulbar truyền nhiễm". Vào những năm 1930, R. E. Shope đã báo cáo rằng bệnh giả dại ở châu Âu và bệnh ngứa điên cuồng ở Mỹ là cùng một bệnh và phổ biến và đặc hữu trên heo ở hầu hết các nước chăn nuôi heo.
Heo là vật chủ tự nhiên của virus PRV. Nhiễm PRV có thể nhẹ và gần như không rõ ràng hoặc có thể dẫn đến bùng phát với tỷ lệ chết cao. Sự thay đổi độc lực quan sát được của PRV là kết quả của sự biến đổi chủng virus, các yếu tố động vật và các yếu tố ngẫu nhiên.
Các dấu hiệu của PRV ở heo giống là bệnh đường hô hấp và hội chứng sinh sản do virus gây ra với hiện tượng sảy thai, chết phôi, không đẻ được, khô thai, heo con yếu khi sinh và vô sinh.
Nhiễm trùng mắt ở heo bị nhiễm PRV chưa từng được báo cáo trước đây.
Heo con dưới 6 tuần tuổi có biểu hiện thần kinh, run rẩy, mất điều hòa vận động, co giật, tiêu chảy, suy hô hấp và tỷ lệ chết cao. Heo con mắc bệnh trong thời kỳ bú sữa thường có các ổ hoại tử màu trắng trên amidan, gan, đôi khi cả lá lách. Heo lớn tuổi hơn thì thường có dấu hiệu hô hấp; ho, khó thở và hội chứng hô hấp tổng quát khi có biến chứng do đồng nhiễm như nhiễm trùng mycoplasmosis, App, Strep, CSF, loét dạ dày và vấn đề thông khí. Các dấu hiệu thần kinh trung ương (CNS) thỉnh thoảng xảy ra ở heo choai nhiễm PRV nhưng hiếm hơn ở heo tuổi sinh sản. Có thể thấy xuất huyết trên thận. PCV2, dịch tả heo cổ điển (CSF), dịch tả heo châu Phi (ASF) và PRRS có thể được đưa vào chẩn đoán phân biệt hoặc có thể là đồng nhiễm.
PRV lây truyền theo chiều dọc qua những con nái bị nhiễm bệnh dai dẳng, qua các vật dụng nhiễm bệnh, xe tải và cơ sở vật chất bẩn thỉu, và qua những con giống bị nhiễm bệnh. Heo choai bị nhiễm bệnh dễ lây lan PRV qua đường hô hấp bên trong cùng một không gian nhà nuôi. Lây truyền qua các hạt khí dung trong khoảng cách vài km có thể xảy ra trong không khí ẩm mát.
PRV có thể được quan sát thấy ở động vật không phải heo, đặc biệt là gia súc, cừu, chồn, chó và mèo. Gà mới nở rất dễ mắc bệnh. Ở các trại nuôi heo bị nhiễm PRV người ta phát hiện ra những con chó nuôi ở đây có sức đề kháng nhưng nhìn chung thì chó rất nhạy cảm và kết quả là tử vong sau khi xuất hiện các dấu hiệu thần kinh trung ương.
Bệnh Aujeszky có nên được coi là bệnh lây truyền từ động vật sang người không?
Con người tương đối đề kháng với bệnh này. Nhiễm trùng ở người là cực kỳ hiếm mặc dù virus có nhân lên trong các tế bào người được nuôi cấy. Nhiễm trùng ở người với các dấu hiệu lâm sàng nhẹ được báo cáo do tiếp xúc với chó và mèo, với sự phục hồi của virus và chuyển hoá huyết thanh. Gần đây, một số trường hợp viêm não nghiêm trọng và các trường hợp viêm nội nhãn đã được ghi nhận ở người ở Trung Quốc trong số những người nuôi heo, bác sĩ thú y và công nhân lò mổ. Một số tiền sử chấn thương thường liên quan đến nhiễm trùng nghiêm trọng như vậy ở người. Virus được phát hiện trong các trường hợp PRV ở người gần đây tương quan chặt chẽ với PRV được phát hiện trong trường hợp này (Hình 5).
Hiện đã có vaccine tốt và có hiệu quả chưa?
Tiêm phòng có hiệu quả trong việc giảm mức độ nghiêm trọng và lây lan của PRV. PRV có thể tiệt trừ được bằng công nghệ hiện tại nhưng lại là dịch bệnh lưu hành ở hầu hết các tỉnh sản xuất heo lớn của Trung Quốc, với tỷ lệ mắc bệnh trên từng đàn là 60% ở những khu vực có mật độ heo cao. Các loại vắc xin chết (KV) và vắc xin sống nhược độc (MLV) có sẵn để sử dụng cho các trại ở Trung Quốc và hầu hết các đàn gia súc đều tiêm vắc xin giả dại. Hầu hết các loại vắc xin PRV đang được sử dụng trên toàn thế giới đều xóa gen gE khiến vắc xin trở nên hữu hiệu trong trường hợp dùng vắc xin sống nhược độc và tạo ra khả năng DIVA (phân biệt động vật bị nhiễm bệnh và được tiêm chủng). Các loại vắc xin đầu tiên xóa gen gE là vắc xin sống không độc lực Bartha small-plague (K) (1961) và vắc xin Bucharest (Buk) được gọi là "Norden". Hiện tại thế giới đang sử dụng vắc xin PRV xoá bỏ hoàn toàn hoặc một phần gE. Được kết hợp với chiến lược DIVA và vệ sinh/cách ly với sản xuất theo lô cùng vào cùng ra, vắc xin là một công cụ hữu ích để loại bỏ và diệt trừ bệnh giả dại. Vắc xin giả dại không tạo ra khả năng miễn dịch khử trùng (sterilizing immunity) cũng như không tạo ra "bong bóng phép thuật" xung quanh con heo để bảo vệ nó khỏi bị nhiễm trùng trong điều kiện môi trường không ổn định. Tuy nhiên, những con nái được tiêm phòng vắc xin PRV nhiều lần có thể tạo ra khả năng miễn dịch thụ động để bảo vệ heo con của chúng khỏi bị nhiễm bệnh cho đến giai đoạn sau cai sữa. Những con nái được tiêm phòng nhiều lần không có khả năng truyền virus PRV sang heo con của chúng hoặc sang những con hậu bị vô nhiễm hoặc gần như vô nhiễm. Vắc xin chết (KV) có hiệu quả hơn vắc xin sống nhược độc (MLV) trong mũi tăng cường nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng MLV có thể "đủ tốt" để tăng cường trong các tình huống không có vắc xin KV. Trường hợp những con hậu bị sinh ra từ những con nái đã được tiêm phòng vắc xin được tiêm phòng và được nuôi trong điều kiện cùng vào-cùng ra và nhập vào một đàn nái đã được tiêm phòng, chúng có thể vẫn âm tính và thay thế những nái già bị nhiễm bệnh. PRV đã được loại bỏ trong nhiều đàn, khu vực và quốc gia bằng phương pháp này.
Giả dại độc lực tăng cường
Kể từ đâu đó năm 2011, các biến thể "độc lực tăng cường" (EV) của bệnh giả dại đã được báo cáo ở Trung Quốc. Các chủng PRV "phương Tây" như Kaplan, Becker và Bartha thuộc nhóm Type 1. (Hình 5) Lưu ý rằng Bartha K-61 đã xóa hoàn toàn gE. PRV "cổ điển" Trung Quốc / Châu Á {Ea, Fa, SC} là Type 2. Các chủng Type 2 biến thể {TJ, hb1201, jsy7-2021, ...} có liên quan đến các đợt bùng phát bệnh giả dại "tăng cường độc lực" gần đây (với bệnh lý nghiêm trọng hơn hơn Type 2 cổ điển). PRV từ bệnh viêm não/viêm mắt ở người như GenBank: MT469550 (hSD1-2019) đang nhóm lại với virus 20-1048 phát hiện trong trường hợp bất thường này cũng như các chủng EV. (Hình 5). Một số chủng độc lực tăng cường có thể là do những thay đổi trong glycoprotein gE mà vắc xin xóa loại Bartha không kích thích miễn dịch, hoặc do những thay đổi ở các locus khác.
Việc tiệt trừ PRV là có thể và khả thi, có ý nghĩa quan trọng đối với chăn nuôi bền vững, an ninh lương thực và sức khỏe con người, và sẽ loại bỏ một nguồn thất thoát quan trọng cho các trại chăn nuôi heo.