Chúng ta đã đi đến phần cuối của loạt bài viết về quản lý vắc-xin. Trong suốt các bài viết, chúng tôi đã cố gắng đề cập đến tất cả các khía cạnh quan trọng giúp vắc-xin phát huy hiệu quả tối đa trong hệ thống chăn nuôi. Tuy nhiên, để khép lại loạt bài này, chúng tôi muốn thảo luận về một vấn đề đôi khi lại xảy ra: đó là "sự thất bại của vắc-xin" hoặc khi chúng ta thấy nghi ngờ về tính hiệu quả của vắc-xin, nghi ngờ chúng hoàn toàn không có hiệu quả hay chỉ có hiệu quả một phần?
Khi điều này xảy ra, nhiều người thường nghi ngờ chất lượng của vắc-xin hoặc cho rằng vắc-xin không tạo được mức bảo hộ mong muốn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nguyên nhân thất bại thực sự không nằm ở vắc-xin, mà xuất phát từ việc sử dụng và bảo quản vắc-xin chưa đúng cách.

Các nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của vắc-xin
Chẩn đoán
Chẩn đoán sai có thể dẫn đến quyết định sai lầm. Cần lưu ý rằng, việc phát hiện tác nhân gây bệnh không đồng nghĩa với việc tác nhân đó chắc chắn là nguyên nhân gây ra vấn đề lâm sàng quan sát được.
Việc lựa chọn vắc-xin để kiểm soát đúng tác nhân gây bệnh là yếu tố cốt lõi để đảm bảo cho việc điều trị thành công vấn đề lâm sàng.
Bên cạnh đó, mục tiêu chủng ngừa cũng đóng vai trò quan trọng:
- Nếu mục tiêu là tạo miễn dịch quần thể, cần thực hiện chủng ngừa đồng loạt nhằm giảm lây truyền theo chiều ngang (từ cá thể này sang cá thể khác trong đàn).
- Nếu mục tiêu là tạo miễn dịch cho heo con và giảm lây truyền theo chiều dọc, cần áp dụng lịch chủng ngừa theo độ tuổi và giai đoạn sản xuất cụ thể để ngăn chặn virus/bệnh truyền từ mẹ sang con.
THỜI GIAN CHỦNG NGỪA
Điều cần thiết là phải hiểu và kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh trong quần thể vật nuôi. Tuy nhiên, tình hình dịch tễ có sự khác biệt giữa các trang trại, do đó cần theo dõi chặt chẽ và xác định thời điểm thích hợp để thực hiện việc chủng ngừa. Mục tiêu là giúp vật nuôi tạo miễn dịch trước khi tiếp xúc với mầm bệnh, đảm bảo vắc-xin phát huy hiệu quả tối đa. Những vấn đề có thể phát sinh khi:
- Chủng ngừa vắc-xin quá gần hoặc quá trễ so với thời điểm biểu hiện bệnh.
- Chủng ngừa vắc-xin cho heo con quá sớm khi heo con vẫn còn kháng thể mẹ truyền, có thể gây suy giảm hiệu quả kháng nguyên của vắc-xin, làm giảm nồng độ kháng thể trong máu heo con và làm giảm khả năng bảo hộ của vắc-xin. Để tránh điều này, cần nghiên cứu thời điểm chủng ngừa tối ưu cho cả heo con và heo nái.
- Chủng ngừa vắc-xin trong điều kiện vật nuôi đang bị stress có thể gây suy giảm miễn dịch.
- Chủng ngừa vắc-xin cho heo nái quá sớm hoặc quá trễ để bảo vệ các tế bào ruột mới hình thành ở heo con vì chúng cần được bảo vệ trong tuần đầu sau sinh.
CHU CHUYỂN ĐÀN KHÔNG HỢP LÝ
Một trại được lập kế hoạch và quản lý kém cùng với việc trộn lẫn các heo ở nhiều độ tuổi trong cùng một chuồng nuôi, mật độ nuôi quá cao và thực hiện không đúng quy trình "cùng vào - cùng ra" (All In - All Out), có thể làm tăng áp lực lây nhiễm dịch bệnh và làm giảm hiệu quả của vắc-xin. Việc nuôi ghép heo ở nhiều độ tuổi trong đàn có thể dẫn đến một số heo không được chủng ngừa hoặc chủng ngừa sai thời điểm.
TÌNH TRẠNG SỨC KHỎE CỦA ĐÀN HEO
HEO CÓ SỨC KHỎE YẾU: Những con có thể trạng kém hoặc không được đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng sẽ không tạo được đáp ứng miễn dịch hiệu quả sau khi chủng ngừa vắc-xin. Nếu tỷ lệ heo có sức khỏe yếu trong đàn cao, khả năng miễn dịch chung của cả đàn sẽ không đạt được mức tối ưu.
- HEO BỊ BỆNH: Heo bị bệnh thường có đáp ứng miễn dịch kém hơn, làm giảm hiệu quả của vắc-xin. Do đó, việc kiểm tra sức khỏe đàn heo trước khi chủng ngừa là rất quan trọng. Nếu trang trại đang đối mặt với một đợt dịch bệnh, nên ưu tiên điều trị và phục hồi sức khỏe vật nuôi trước khi thực hiện chủng ngừa. Một ví dụ điển hình cho vấn đề này là cần tránh chủng ngừa vắc-xin trong giai đoạn virus PRRS đang lưu hành trong đàn, vì nó có thể làm cản trở quá trình hình thành miễn dịch.
Sự hiện diện của các bệnh cận lâm sàng như một số bệnh lý tiêu hóa cũng góp phần làm heo có đáp ứng miễn dịch kém.

NBẢO QUẢN: KHÔNG ĐẢM BẢO VIỆC DUY TRÌ CHUỖI BẢO QUẢN LẠNH

Việc bảo quản vắc-xin không đúng cách, chẳng hạn như nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, vắc-xin bị đông đá, không kiểm soát độ ẩm,… có thể dẫn đến sự thất bại của vắc-xin. Bạn có thể xem lại toàn bộ quy trình bảo quản vắc-xin đúng cách trong bài viết thứ hai của loạt bài viết này.

KIỂM SOÁT MÔI TRƯỜNG VÀ CHUỒNG TRẠI
Tình trạng heo stress ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tạo ra đáp ứng miễn dịch tối ưu sau khi chủng ngừa vắc-xin. Các yếu tố như môi trường sống khắc nghiệt, hệ thống thông gió kém, nhiệt độ không phù hợp, điều kiện vệ sinh kém, mật độ nuôi quá cao, không đủ không gian cho máng ăn hoặc máng uống,... có thể khiến vật nuôi rơi vào trạng thái sức khỏe kém. Những điều kiện bất lợi này làm suy giảm hệ miễn dịch, từ đó làm tăng nguy cơ thất bại của vắc-xin.
QUY TRÌNH CHỦNG NGỪA VẮC-XIN
Trong bài viết trước của loạt bài này, chúng tôi đã phân tích chi tiết về cách chủng ngừa vắc-xin đúng cách. Tuy nhiên, một số quyết định hoặc yếu tố trong quá trình chủng ngừa có thể dẫn đến sự thất bại của vắc-xin:
KHÔNG ĐÚNG LIỀU LƯỢNG: Việc tiêm sai liều gần như chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại của vắc-xin. Liều lượng không đúng có thể xuất phát từ việc hiểu sai hướng dẫn sử dụng của vắc-xin hoặc các yếu tố khác như:
- Không bảo dưỡng ống tiêm định kỳ hoặc sử dụng loại ống tiêm không phù hợp..
- Dùng kim tiêm có kích thước không đúng có thể gây tắc kim, dẫn đến việc tiêm sai liều lượng. Bên cạnh đó, tình trạng của kim tiêm cũng đóng vai trò quan trọng.
- Tự ý giảm liều lượng:
- Sử dụng nửa liều để tiết kiệm chi phí.
ĐƯỜNG CẤP KHÔNG CHÍNH XÁC: Nhân viên thiếu kỹ năng, không tuân thủ các khuyến nghị đã đề cập trong bài viết trước, không cải thiện điều kiện chăn nuôi, hoặc thực hiện việc chủng ngừa quá nhanh và thiếu chính xác có thể dẫn đến chủng ngừa vắc-xin sai vị trí hoặc sai liều lượng.

SỬ DỤNG VẮC-XIN CÒN THỪA: Tuyệt đối không giữ lại lọ vắc-xin đã mở nắp để sử dụng sau. Lý do là:
+ Thứ nhất, vắc-xin có thể đã mất đi điều kiện bảo quản tối ưu.
+ Thứ hai, khi kim tiêm đâm qua nắp lọ, lọ vắc-xin có thể đã bị mất tính vô trùng, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh cho vật nuôi khi sử dụng phần vắc-xin còn lại.
+ Thời gian sử dụng tối đa của từng loại vắc-xin sau khi mở nắp được ghi rõ trong hướng dẫn kỹ thuật của sản phẩm.
PHA TRỘN VỚI CÁC SẢN PHẨM KHÁC: Không pha trộn vắc-xin với các sản phẩm khác hoặc với những loại vắc-xin không được đề cập trong hướng dẫn sử dụng.
- PHA LOÃNG VẮC-XIN: Khi cần pha loãng vắc-xin, phải sử dụng ống tiêm dùng một lần và dung dịch vắc-xin sau khi pha cần được sử dụng trong vòng vài giờ.
KHÔNG THỰC HIỆN CHỦNG NGỪA VẮC-XIN: Thiếu nhân sự, tình trạng khẩn cấp của trang trại do sự cố máy móc, hỏng hóc, v.v. là những lý do không thể dùng để biện minh cho việc không chủng ngừa vắc-xin đúng thời hạn hoặc đúng cách. Vì vậy, cần có đội ngũ nhân sự phù hợp và kế hoạch dự phòng rõ ràng để ứng phó với những tình huống khẩn cấp tại trang trại.
CÁC TÌNH HUỐNG ĐẶC BIỆT: Trong các chương trình phòng dịch dựa trên việc chủng ngừa vắc-xin, điều quan trọng là phải đảm bảo bảo vệ sức khỏe toàn bộ đàn heo. Do đó, cần tiêm vắc-xin 100% cho toàn đàn, bao gồm cả những cá thể trong khu vực cách ly điều trị, heo nái có thể bị loại thải,...
Bên cạnh đó, một số vắc-xin có thể gây ra phản ứng phụ như sốt, rối loạn thần kinh và/hoặc tiêu hóa, giảm lượng ăn vào, lờ đờ,... Những phản ứng này có thể xuất hiện ở nhiều mức độ khác nhau, vì vậy cần theo dõi kỹ đàn heo sau khi chủng ngừa để kịp thời xử lý nếu lỡ xuất hiện vấn đề. Các phản ứng không mong muốn sau khi chủng ngừa đều được ghi rõ trong hướng dẫn kỹ thuật của sản phẩm, do đó, cần nắm vững thông tin này để phát hiện và can thiệp kịp thời khi cần thiết.