X
XLinkedinWhatsAppTelegramTelegram
0
Đọc bài báo này bằng:

Quản lý vắc-xin tại trang trại (III): Đường cấp

Tổng quan về các đường cấp vắc-xin, phương pháp chủng ngừa vắc-xin theo từng loại vật nuôi và cách quản lý các dụng cụ chủng ngừa vắc-xin.

Sau khi tìm hiểu các bài viết trước về cách bảo quản vắc-xin đúng cách, bây giờ là lúc thực hiện việc chủng ngừa vắc-xin.

Mỗi trang trại nên có chương trình chủng ngừa riêng do bác sĩ thú y phụ trách tại trại điều chỉnh cho phù hợp với từng tình hình cụ thể. Chương trình này phải mô tả các loại vắc-xin cần sử dụng, đường cấp vắc-xin và độ tuổi hoặc thời điểm chính xác trong chương trình chủng ngừa vắc-xin. Thực hiện việc chủng ngừa vắc-xin vào đúng thời điểm đã chỉ định là yếu tố then chốt để đảm bảo đạt hiệu quả tối ưu.

Các đường cấp vắc-xin

Bất cứ khi nào sử dụng vắc-xin, ngoài việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ thú y, chúng ta phải đọc tờ hướng dẫn sử dụng để đảm bảo tuân thủ các khuyến cáo của nhà sản xuất:

  • Nhiệt độ dung dịch vắc-xin trước khi chủng ngừa
  • Dung tích
  • Liều lượng
  • Thời gian ngưng sử dụng sản phẩm, nếu có
  • Thông tin tá dược bổ trợ
  • Có thể được phép sử dụng chung với các vắc-xin khác
  • V.v.

Vắc-xin có thể phân loại theo đường cấp. Phổ biến nhất là:

1. Tiêm bắp: chúng ta có thể phân biệt giữa:

  • Tiêm vắc-xin bằng kim tiêm: điều cần thiết là phải chọn đúng kích thước kim (Hình 1) để:
    • Có thể xuyên qua da, lớp mỡ và đi vào cơ tùy thuộc vào kích thước của vật nuôi.
    • Cho phép dung dịch vắc-xin lưu thông dễ dàng mà không có vấn đề, tùy thuộc vào độ đậm đặc của vắc-xin và dung tích cần tiêm.

Hình 1. Kích thước kim tiêm.
Hình 1. Kích thước kim tiêm.
  • Vị trí tiêm phổ biến nhất là ở cổ, nhưng cũng có thể tiêm ở bắp đùi sau. Cả hai vị trí đều có ưu và nhược điểm riêng, quan trọng nhất là:
    • Cổ:
      • Ưu điểm:
        • Mạch máu to giúp hấp thụ và phân phối vắc-xin vào cơ thể động vật dễ dàng hơn.
        • Diện tích tiêm rộng.
      • Nhược điểm:
        • Khó tiêm khi phải tiếp cận heo từ phía sau, điều này có thể gây nguy hiểm cho người thực hiện.
        • Heo tiêm vắc-xin có khả năng bị áp xe khi thực hiện tiêm không đúng cách hoặc do tình trạng kim tiêm không đủ chất lượng.
    • Bắp đùi:
      • Ưu điểm:
        • Dễ dàng tiếp cận khi heo ở trong chuồng.
      • Nhược điểm:
        • Có thể gây áp xe ở đùi và do đó khiến phần thịt đùi bị hư hỏng.
  • Tiêm bắp không cần kim tiêm thông qua thiết bị tạo áp suất cao ở vùng cổ.

Hệ thống tiêm không kim làm giảm nguy cơ lây truyền mầm bệnh, bị thương hoặc áp xe, và nguy cơ kim tiêm bị gãy trong quầy thịt. Đối với người thực hiện, phương pháp này cũng giúp loại bỏ rủi ro kim đâm vào người. Trong các hệ thống này, áp suất sử dụng phải được điều chỉnh theo loại vật nuôi.

2. Tiêm trong da: Có thể tiêm bằng kim, nhưng phương pháp tiêm không cần kim bằng cách sử dụng các thiết bị áp suất cao chuyên dụng đưa một lượng nhỏ vắc-xin vào lớp hạ bì ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Các vị trí tiêm phải có ít lông và đủ phẳng. Phổ biến nhất là cổ, đùi, lưng và tiêm ở giữa thân phía trên bầu vú đối với heo nái.

Hình 2. Thiết bị tiêm vắc-xin trong da.
Hình 2. Thiết bị tiêm vắc-xin trong da.

3. Tiêm dưới da: Tiêm dưới da thường được áp dụng cho heo con còn nhỏ. Vị trí tiêm lý tưởng cho những heo con này là nếp gấp da phía trong đùi.

4. Đường uống: Chủ yếu cấp vắc-xin qua nước uống. Hệ thống này tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp vắc-xin cho các nhóm heo lớn, nhưng chỉ một số loại vắc-xin nhất định mới có thể được cấp qua đường uống. Điều quan trọng là không sử dụng các sản phẩm khác có thể làm thay đổi hiệu quả của vắc-xin uống như: clo, các loại thuốc khác, v.v.

5. Đường nhỏ mũi: Vắc-xin được hấp thụ qua niêm mạc và kích hoạt phản ứng miễn dịch ở động vật.

Trong mọi trường hợp, vị trí tiêm vắc-xin phải luôn sạch sẽ và khô ráo.

Hình 3. Vị trí tiêm vắc-xin và đường cấp ở heo trưởng thành và heo con.
Hình 3. Vị trí tiêm vắc-xin và đường cấp ở heo trưởng thành và heo con.

Đường cấp vắc-xin theo từng loại vật nuôi

1. Heo con theo mẹ: Nhấc từng con lên để đảm bảo tiêm vắc-xin đúng cách.

2. Heo con cai sữa và heo thịt

  • Heo con nặng dưới 25 kg: Chúng ta phải nhấc từng con lên để đảm bảo tiêm vắc-xin đúng vị trí. Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này, chúng ta có thể chia chuồng thành hai phần để thu hẹp không gian chuồng, giúp cho việc bắt heo con dễ dàng hơn. Khi heo được tiêm vắc-xin xong, chúng có thể được đánh dấu và thả vào phần chuồng còn lại. Trong nhiều trường hợp, lối đi cũng có thể hữu dụng cho quá trình này.
Hình 4. Chuồng cai sữa với nhóm heo lớn có thể lắp tấm chắn giúp thu hẹp không gian chuồng.
Hình 4. Chuồng cai sữa với nhóm heo lớn có thể lắp tấm chắn giúp thu hẹp không gian chuồng.
Hình 5. Chuồng heo thịt với nhóm heo lớn có tấm chắn giúp thu hẹp không gian chuồng.
Hình 5. Chuồng heo thịt với nhóm heo lớn có tấm chắn giúp thu hẹp không gian chuồng.
  • Heo trên 25 kg: Có thể tiêm vắc-xin mà không cần phải nhấc từng con lên. Thu hẹp diện tích không gian chuồng khi tiêm vắc-xin giúp thực hiện chính xác hơn, nhưng điều này không hoàn toàn cần thiết. Nếu chúng ta tiêm cho các nhóm heo lớn, nên có các hệ thống giúp thực hiện tiêm vắc-xin thường xuyên. Để tạo điều kiện cho việc tiêm vắc-xin, có thể sử dụng các hệ thống "nối dài" ống tiêm. Các hệ thống này có thể hữu ích vì chúng cải thiện vị trí khi tiêm vắc-xin, nhưng bạn phải quen với điều này và được đào tạo về cách sử dụng chúng vì:
    • Dễ tiêm nhầm vị trí, trong trường hợp này là tiêm ở vùng cổ.
    • Kim dễ bị cong hơn.
Hình 6. Ống tiêm vắc-xin nối dài.
Hình 6. Ống tiêm vắc-xin nối dài.
3. Động vật trưởng thành

  • Heo nọc và heo nái trong chuồng
    • Nên tiêm vắc-xin cho từng con một, tốt nhất là tiêm từ phía sau nếu hệ thống chuồng trại cho phép.
  • Heo nái hoặc heo nọc nuôi theo nhóm:
    • Nhóm nhỏ: Nếu trại có hệ thống cho tất cả bầy heo ăn cùng lúc, thời điểm tốt nhất để tiêm vắc-xin là trong khi heo đang ăn.
      Hình 7. Heo thịt đang ăn cùng lúc.
      Hình 7. Heo thịt đang ăn cùng lúc.
    • Nhóm lớn:
      • Nếu hệ thống trại có hỗ trợ việc chọn động vật và tách chúng ra khỏi nhóm, chúng ta sẽ thực hiện tách heo theo nhóm nhỏ hơn để có thể tiêm vắc-xin cho chúng.
      • Nếu hệ thống không hỗ trợ chọn động vật, chúng ta phải tìm thời điểm vật nuôi nghỉ ngơi và an tĩnh, lúc đó chúng ta thực hiện chậm rãi, tiếp cận từ một phía để không làm heo hoảng sợ.

Đối với heo mọi lứa tuổi và tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của đàn heo trong trại, cần phải thay kim tiêm giữa các lứa hoặc giữa các con heo trưởng thành, theo khuyến cáo của bác sĩ thú y phụ trách.

Quản lý các dụng cụ tiêm vắc-xin

1. Kim tiêm

Việc sử dụng kim tiêm có kích thước phù hợp là điều cần thiết (Hình 1).

Trang trại phải có một quy trình bằng văn bản để thay kim tiêm (Bảng 1), quy trình này phải được điều chỉnh theo tình trạng sức khỏe cụ thể của heo vì kim tiêm có thể lan truyền bệnh. Bác sĩ thú y sẽ đưa ra quyết định tương ứng.

Trong mọi trường hợp, chúng ta sẽ thay kim tiêm bất cứ khi nào kim bị cong hoặc mất độ sắc vì kim ở tình trạng kém có thể có nguy cơ gãy cao hơn hoặc có thể gây thương tích.

Bảng 1. Quy trình cơ bản để thay kim tiêm tại trang trại. Quy trình này phải được điều chỉnh theo tình trạng sức khỏe của heo ở trại.

Vật nuôi Tình huống Thay kim tiêm
Heo theo mẹ Mỗi ổ heo
Heo cai sữa Nhóm nhỏ (tối đa 30 heo con) Mỗi nhóm
Nhóm lớn Mỗi 30 heo con
Heo thịt Nhóm nhỏ (tối đa 12-15 con) Mỗi nhóm
Nhóm lớn Mỗi 10 con
Heo nái Heo trong trại có tình trạng sức khỏe tốt Mỗi 5 con
Heo trong trại có tình trạng sức khỏe xấu Mỗi con
Heo đực Mỗi con

Khu cách ly và chuồng bệnh phải được trang bị đầy đủ dụng cụ cần thiết cho việc chủng ngừa và điều trị, chỉ được sử dụng DÀNH RIÊNG cho khu vực này. Bao gồm các vật dụng như dây cột, kim tiêm, ống tiêm, bút đánh dấu, v.v.

Nếu kim tiêm bị gãy khi tiêm và nghi ngờ còn nằm trong cơ thể heo, cần đánh dấu tai con vật bị ảnh hưởng và cách ly để thông báo cho lò mổ. Hiện nay, có loại kim tiêm có thể phát hiện được tại lò mổ nhờ máy dò kim loại. Một số công ty chế biến thịt yêu cầu nhà chăn nuôi sử dụng loại kim này để giảm nguy cơ sót kim trong quầy thịt.

Kim tiêm đã qua sử dụng và phần còn lại của vắc-xin phải được thu gom vào thùng chứa chuyên dụng. Mỗi trang trại cần có hợp đồng xử lý chất thải theo quy định.

Hình 8. Hộp đựng vật sắc nhọn. Ảnh do National Pork Board, Des Moines, Iowa cung cấp.
Hình 8. Hộp đựng vật sắc nhọn. Ảnh do National Pork Board, Des Moines, Iowa cung cấp.

2. Ống tiêm và dụng cụ tiêm vắc-xin

Chúng ta phải sử dụng ống tiêm và các dụng cụ tiêm mà các cơ quan dịch vụ thú y khuyến nghị và đảm bảo sử dụng đúng cách.

SAU MỖI LẦN SỬ DỤNG, ống tiêm và các dụng cụ tiêm phải được rửa sạch để loại bỏ mọi vết bẩn.

Hình 9. Vệ sinh các dụng cụ tiêm chủng.
Hình 9. Vệ sinh các dụng cụ tiêm chủng.

Chúng ta phải có kế hoạch bảo trì cho tất cả các dụng cụ dùng để tiêm vắc-xin.

Trong bài viết cuối cùng của loạt bài này, chúng ta sẽ nói về cách giảm thiểu khả năng thất bại của vắc-xin.

Tải bản tóm tắt tại đây

Bình luận bài báo

Mục đích của phần này không phải để kham khảo ý tác giả về bài báo mà là nơi thảo luận cởi mở giữa những người dùng 333.
Để lại một bình luận mới

Quyền truy cập chỉ dành cho người dùng 333. Để bình luận bạn cần đăng nhập.

Bạn chưa đăng ký vào danh sách nhận Tin tức ngành heo

Tin tức ngành heo tới email của bạn

Đăng nhập và đăng ký vào danh sách

Bài báo liên quan

Bạn chưa đăng ký vào danh sách nhận 333 trong 3 phút

Bản tin tuần với tất cả các cập nhật trên 3tres3.com

Đăng nhập và đăng ký vào danh sách