X
XLinkedinWhatsAppTelegramTelegram
1
Đọc bài báo này bằng:

Năm chìa khóa để đạt được sự an toàn trong sản xuất thức ăn hỗn hợp

1 bình luận

Trong bài viết trước, chúng ta đã tìm hiểu về khái niệm an toàn trong thức ăn chăn nuôi, tác động của nó đến ngành chăn nuôi heo và trách nhiệm của ngành sản xuất thức ăn hỗn hợp trong chuỗi thực phẩm. Bây giờ chúng ta sẽ tập trung vào cách áp dụng thực tế khái niệm này trong quy trình sản xuất thức ăn hỗn hợp.

1. Nắm rõ các nguyên liệu thô và nhà cung cấp

Nguyên liệu thô là con đường chủ yếu mà các vi sinh vật gây bệnh và độc tố xâm nhập vào nhà máy sản xuất thức ăn và từ đó xâm nhập vào thức ăn chăn nuôi. Đây là lý do tại sao chúng ta phải hiểu rõ thành phần của thức ăn, quá trình phân hủy, phương pháp bảo quản, các phản ứng hóa học không mong muốn mà chúng có thể có với các thành phần khác, cũng như nguồn gốc của nguyên liệu, v.v. Sau khi đã xem xét tất cả các yếu tố này, chúng ta phải thiết lập các điểm kiểm soát quan trọng cho từng nguyên liệu thô để đảm bảo an toàn và chất lượng không chỉ trong quá trình nhập nguyên liệu vào nhà máy thức ăn chăn nuôi mà còn trong suốt thời gian bảo quản.

Đồng thời, việc thu mua nguyên liệu thô thường liên quan đến yếu tố giá cả trong hầu hết các trường hợp trong ngành thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, điều cần thiết là trong quá trình phân tích chi phí, chúng ta cần phải đánh giá và lựa chọn các nhà cung cấp đáng tin cậy. Việc thiết lập mối quan hệ bên vững với họ sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và tiết kiệm nguồn lực trong việc kiểm soát chất lượng.

Ví dụ, bột cá có thể chứa số lượng vi sinh vật cao và mức histamine cao (Bảng 1) tùy thuộc vào nguồn gốc và quy trình sản xuất của nhà cung cấp, cả hai đều có thể gây rủi ro cho sức khỏe và năng suất của động vật.

Bảng 1. Mức độ cho phép đối với sự vấy nhiễm vi sinh vật và dioxin trong bột cá. Nguồn: Phỏng theo Fedna, 2002.

Phân tích Mức độ cho phép
Tổng số vi khuẩn hiếu khí <106 CFU/g
Coliforms <103 CFU/g
E. coli Absent CFU/g
Các loại Staphylococci gây bệnh <10 CFU/g
Salmonella Absent CFU/25 g
Dioxins <1.25 ng/kg

2. Hiểu rõ các điểm kiểm soát quan trọng của nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi

Mỗi nhà máy thức ăn chăn nuôi và mỗi hệ thống sản xuất đều có những điểm quan trọng có thể làm tăng nguy cơ vấy nhiễm thức ăn, chẳng hạn như nhiễm chéo trong dây chuyền sản xuất, những nơi sản phẩm tích tụ hoặc khó tiếp cận để vệ sinh, thất thoát trong quá trình vận chuyển, silo xuống cấp, có động vật gây hại và cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, v.v.

Một ví dụ về điểm quan trọng đối với an toàn trong các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi là sự tích tụ bụi trong các silo chứa, nơi mà nếu không có chương trình vệ sinh và khử trùng thích hợp, các vi sinh vật và động vật gây hại như mọt sẽ sinh sôi.

Việc xác định từng điểm này cho phép chúng ta thiết lập các chiến lược kiểm soát cả trong dây chuyền sản xuất và trong thức ăn chăn nuôi, từ đó lập kế hoạch vệ sinh/khử trùng cũng như các kế hoạch bảo trì khắc phục và phòng ngừa một cách hiệu quả. Điều này cũng giúp chúng ta ưu tiên nguồn lực và nỗ lực vào những khu vực có mức độ rủi ro cao hơn.

3. Thực hiện các tiêu chuẩn thực hành tốt

Mỗi hệ thống sản xuất của nhà máy thức ăn chăn nuôi phải có phương pháp làm việc trong đó tất cả các quy trình đều được chuẩn hóa và có các quy tắc cụ thể, bao gồm thứ tự thực hiện, các điểm kiểm soát quan trọng, lưu trữ dữ liệu, khả năng truy xuất nguồn gốc, v.v. Đây là cách duy nhất để đảm bảo an toàn và chất lượng sản phẩm, đồng thời nâng cao hiệu quả quy trình, từ đó giảm thiểu sai sót và cải thiện lợi nhuận chung của doanh nghiệp.

Một công cụ rất hữu ích để kiểm soát quy trình sản xuất tại các nhà máy thức ăn chăn nuôi là làm việc theo các tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt (GMP). Các tiêu chuẩn này được phát triển bởi Codex Alimentarius và bao gồm các hoạt động nhằm ngăn ngừa và kiểm soát các rủi ro về an toàn sản phẩm liên quan đến mọi giai đoạn của chuỗi sản xuất (FAO). Các nguyên tắc GMP đóng vai trò là hướng dẫn và hỗ trợ thiết lập các quy trình làm việc nhằm giảm thiểu rủi ro về an toàn trong thức ăn chăn nuôi.

4. Đảm bảo an toàn trong thức ăn chăn nuôi

Nếu tuân thủ theo các điểm được mô tả ở trên, chúng ta đã kiểm soát được nguyên liệu thô và nhà cung cấp, các điểm quan trọng của nhà máy và các quy trình sản xuất. Điều cần làm tiếp theo là xác minh việc thức ăn chăn nuôi được sản xuất tuân thủ theo các tiêu chuẩn an toàn (Bảng 2). Để đạt được điều này, việc thực hiện kiểm soát chất lượng là cần thiết nhằm đảm bảo mức độ của các chất gây vấy nhiễm vi sinh, các độc tố quan trọng như mycotoxin, dioxin, và các hợp chất hóa học như kim loại nặng, thuốc trừ sâu, và peroxide luôn thấp.

Ví dụ, về mức độ peroxide, đã có nghiên cứu cho thấy rằng heo nái được cho ăn thức ăn có chứa dầu đậu nành bị oxy hóa sẽ sản xuất sữa có mức độ các yếu tố gây viêm cao hơn (Bảng 2), và ngược lại, sữa giảm hiệu quả chống oxy hóa. Theo Gao và cộng sự, 2022, điều này xảy ra do mức độ của các yếu tố gây viêm trong huyết tương của heo nái tăng lên, dẫn đến mức độ của các yếu tố tương tự cũng tăng lên ở heo con tiêu thụ loại sữa này (Bảng 3).

Bảng 2. Ảnh hưởng của việc sử dụng chế độ ăn có chứa dầu đậu nành bị oxy hóa đến tác dụng chống oxy hóa và các yếu tố gây viêm trong sữa heo nái. Nguồn: Phỏng theo Gao và cộng sự, 2022.

Dầu đậu nành tươi Dầu đậu nành bị oxy hóa Sai lệch tiêu chuẩn Giá trị P
Superoxide dismutase (U/ml) 13.86 12.00 0.309 0.001
Catalase (U/ml) 7.64 5.13 0.432 <0.001
Tổng khả năng chống oxy hóa (U/ml) 1.76 1.18 0.100 0.032
Malondialdehyde (nmol/ml) 1.92 2.22 0.095 0.067
Yếu tố hoại tử khối u α (pg/ml) 5.28 7.33 0.416 0.006
Interleukin-8 (pg/ml) 5.88 7.11 0.244 <0.001
Interleukin-6 (pg/ml) 11.36 13.59 0.446 0.017

Bảng 3. Ảnh hưởng của việc tiêu thụ thức ăn có chứa dầu đậu nành bị oxy hóa đến nồng độ các yếu tố gây viêm trong huyết tương ở heo nái và heo con theo mẹ. Nguồn: Phỏng theo Gao và cộng sự, 2022.

Dầu đậu nành tươi Dầu đậu nành bị oxy hóa Sai lệch tiêu chuẩn Giá trị P
Heo nái
Yếu tố hoại tử khối u α (pg/ml) 55.24 70.26 3.279 0.013
Interleukin-8 (pg/ml) 44.89 54.48 2.068 0.011
Interleukin-6 (pg/ml) 144.90 163.84 5.120 0.060
Heo con theo mẹ
Yếu tố hoại tử khối u α (pg/ml) 27.13 34.45 2.027 0.067
Interleukin-8 (pg/ml) 28.28 24.04 1.725 0.236
Interleukin-6 (pg/ml) 58.49 66.81 2.248 0.059

Trong khi mục tiêu chính của nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp là sản xuất thức ăn an toàn, chất lượng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi, thì nhà máy cũng có trách nhiệm đảm bảo thức ăn được vận chuyển đến trang trại vẫn giữ nguyên các đặc điểm ban đầu như khi rời khỏi dây chuyền sản xuất. Vì vậy, việc kiểm soát kho thành phẩm và phương tiện vận chuyển là vô cùng quan trọng để tránh vấy nhiễm chéo, động vật gây hại, vỡ bao bì, ẩm ướt, hoặc bất kỳ yếu tố nào khác có thể ảnh hưởng đến sự an toàn và chất lượng của thức ăn.

5. Thiết lập văn hóa an toàn trong thức ăn chăn nuôi

Hầu hết các ngành sản xuất thức ăn hỗn hợp hoặc trang trại có nhà máy thức ăn riêng đều áp dụng hệ thống quản lý và ghi nhớ bốn điểm chính nêu trên. Tuy nhiên, yếu tố con người thường bị đánh giá thấp và người ta quên rằng nhiều sai sót về an toàn và chất lượng sản phẩm thường bắt nguồn từ lỗi của con người.

An toàn không chỉ là phương pháp làm việc hoặc kiểm soát chất lượng; mà còn là văn hóa của doanh nghiệp. Khi ban quản lý coi an toàn là giá trị gia tăng cho sản phẩm, việc đảm bảo an toàn sẽ là ưu tiên hàng đầu trong tổ chức. Sáng kiến ​​An toàn Thực phẩm Toàn cầu (GFSI) định nghĩa văn hóa an toàn thực phẩm là "các giá trị, niềm tin và chuẩn mực chung ảnh hưởng đến tư duy và hành vi hướng tới an toàn thực phẩm trong, giữa các bộ phận và xuyên suốt một tổ chức". Nói cách khác, điều này phụ thuộc vào cách nhân viên suy nghĩ, tiếp cận và thực hiện vai trò của mình.

Để xây dựng một nét văn hóa an toàn hiệu quả, mỗi cá nhân cần cảm thấy mình là một phần quan trọng trong quá trình sản xuất và hiểu rõ vai trò của mình, cũng như những kết quả tích cực và tiêu cực của việc thực hiện đúng nhiệm vụ. Đồng thời, một môi trường làm việc tốt là điều không thể thiếu.

Khi nhân viên cam kết về an toàn và chất lượng, sẽ giúp giảm thiểu rủi ro sai sót, từ đó hạn chế tổn thất về hiệu suất và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Kết luận

Sản xuất thức ăn chăn nuôi an toàn và chất lượng cần có sự nỗ lực và nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, lợi ích đạt được từ việc tối ưu hóa quy trình, giảm thiểu sai sót và lãng phí trong nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thậm chí còn lớn hơn cũng như góp phần vào việc đảm bảo sự hài lòng và tin tưởng của khách hàng.

Bình luận bài báo

Mục đích của phần này không phải để kham khảo ý tác giả về bài báo mà là nơi thảo luận cởi mở giữa những người dùng 333.
16-Th10-2024 adisseo-asia-pacific-pte-ltdgreat
Để lại một bình luận mới

Quyền truy cập chỉ dành cho người dùng 333. Để bình luận bạn cần đăng nhập.

Bạn chưa đăng ký vào danh sách nhận 333 trong 3 phút

Bản tin tuần với tất cả các cập nhật trên 3tres3.com

Đăng nhập và đăng ký vào danh sách

Bài báo liên quan

Bạn chưa đăng ký vào danh sách nhận 333 trong 3 phút

Bản tin tuần với tất cả các cập nhật trên 3tres3.com

Đăng nhập và đăng ký vào danh sách