Một trong những vấn đề lớn xảy ra ở các trại nái là heo nái không cai sữa được heo con nào do các vấn đề trong quá trình đẻ hoặc cho con bú buộc tất cả heo con phải bị tách khỏi heo mẹ. Vấn đề này thậm chí thường gặp hơn trong bối cảnh chăn nuôi heo ngày nay, khi khả năng sinh sản ngày càng tăng khiến việc cung cấp cho tất cả heo con một núm vú chức năng trong toàn bộ thời kỳ theo mẹ ngày càng khó khăn.
Chúng tôi sẽ phân tích những con heo nái này sử dụng cơ sở dữ liệu PigCHAMP Pro Europa. Đầu tiên là phân tích sự tiến triển của tỷ lệ heo nái cai sữa 0 con trong 5 năm qua. Nhìn chung có thể thấy tỷ lệ heo nái cai sữa 0 con ngày càng tăng, ngoại trừ giữ ổn định vào năm ngoái. Do đó, mặc dù tỷ lệ phần trăm này thấp nhưng chúng ta có thể coi đây là một vấn đề đang gia tăng.
Bảng 1. Tỷ lệ heo nái cai sữa 0 con theo giai đoạn 12 tháng, 7/2016-6/2021.
7/2016 - 6/2017 | 7/2017 - 6/2018 | 7/2018 - 6/2019 | 7/2019 - 6/2020 | 7/2020 - 6/2021 | Trung bình | |
---|---|---|---|---|---|---|
Tổng số heo cai sữa (nº) | 490,595 | 522,747 | 548,547 | 599,773 | 624,866 | 557,306 |
Số cai sữa 0 con (nº) | 11,808 | 14,969 | 16,101 | 20,310 | 19,992 | 16,636 |
% cai sữa 0 con (%) | 2.41% | 2.86% | 2.94% | 3.39% | 3.20% | 2.99% |
Nhìn vào kết quả trong giai đoạn từ 7/2020 đến 6/2021, sự phân bổ tỷ lệ phần trăm của những con heo nái này theo số lứa đẻ được hiển thị bên dưới. Tỷ lệ phần trăm tăng bắt đầu từ lứa 2, đạt điểm cao nhất ở những heo nái già (đẻ trên 6 lứa). Điều này có thể đoán trước được vì những heo nái lớn tuổi hơn thường gặp nhiều khó khăn hơn khi đẻ (thời gian đẻ lâu hơn, sa tử cung) và những vấn đề này khi đẻ có thể dẫn đến khởi đầu cho nuôi con kém và cuối cùng là heo nái không thể nuôi heo con. Nhưng hãy lưu ý tỷ lệ phần trăm heo nái lứa đầu tiên không cai sữa được heo con nào. Tỷ lệ này có lẽ cũng liên quan đến các vấn đề thích nghi với chuồng đẻ, hoặc các vấn đề trong quá trình đẻ (đường âm đạo hẹp, v.v.). Trong trường hợp đó, vấn đề ảnh hưởng đến những con heo nái này sẽ dẫn đến việc hầu như không có sự sinh lời đáng kể nào từ khi người chăn nuôi mua hoặc gây nái.
Cuối cùng những heo nái cai sữa 0 con có thể sẽ:- chết
- bị đưa đến lò mổ
- phục hồi và tiếp tục sản xuất.
Biểu đồ sau đây cho thấy sự phân bổ theo kết quả cuối cùng của những con heo nái này. Thực tế thì mỗi một phần ba số nái đi đến từng kết quả, tức là chỉ có 30% heo nái cai sữa 0 con phục hồi. Về độ tuổi trung bình của những con heo nái này, những con đưa đi giết mổ là những con già hơn (lứa đẻ 4,9), trong khi những con hồi phục lại trẻ hơn (lứa đẻ 3). Còn những heo chết thì ở tuổi trung bình, lứa đẻ 3,7.
Cuối cùng, nếu chúng ta so sánh năng suất sau đó của những heo nái phục hồi sau khi cai sữa 0 con với năng suất của những heo nái đã cai sữa được heo con, chúng ta thấy rằng:
- Khoảng thời gian từ cai sữa đến lần phối giống lại đầu tiên của chúng cao hơn nhiều (14,6 ngày so với 6 ngày): mục đích là để cho heo nái có thời gian phục hồi sau vấn đề mà chúng gặp phải ở khu đẻ và sắp xếp khoảng thời gian phù hợp cho đợt phối giống tiếp theo.
- Năng suất của những con nái này trong lứa đẻ tiếp theo rõ ràng là thấp hơn ở các chỉ tiêu:
- mang thai (tỷ lệ đẻ 73% so với 84,5%)
- đẻ (tổng số đẻ 15,8 so với 16,3)
- và cai sữa (11,4 cai sữa so với 12,3).
- Điều quan trọng là một tỷ lệ đáng kể số heo nái cai sữa 0 con lại tiếp tục không cai sữa được heo con nào trong lứa tiếp theo (9,5%, so với 3% ở những heo nái còn lại).
Bảng 2. Năng suất ở lứa đẻ tiếp theo theo số heo con được cai sữa, giai đoạn cai sữa 7/2020-6/2021.
Cai sữa 0 con | Cai sữa > 0 | |
---|---|---|
Số heo nái được phối (nº) | 5,897 | 548,152 |
Tuổi trung bình (lứa đẻ) | 3.0 | 3.4 |
Khoảng thời gian cai sữa đến lần phối giống đầu tiên (ngày) | 14.6 | 6.0 |
Lên giống lại (%) | 14.3 | 8.4 |
Tỷ lệ đẻ (%) | 73.0 | 84.5 |
Tổng số sinh (trung bình) | 15.8 | 16.3 |
Sinh ra còn sống (trung bình) | 14.1 | 14.6 |
Chết lưu (trung bình) | 1.4 | 1.3 |
Thai khô (trung bình) | 0.4 | 0.4 |
Cai sữa/nái (trung bình) | 11.4 | 12.3 |
% cai sữa 0 con | 9.5 | 3.0 |
Cuối cùng, lý do tại sao heo nái rốt cuộc phải cai sữa 0 con khá đa dạng: từ cái chết đột ngột trong chuồng đẻ đến các nguyên nhân khác nhau làm phát sinh những khó khăn lớn trong việc cho con bú, chẳng hạn như các vấn đề bệnh lý, các vấn đề nghiêm trọng về hình thể, kiểm soát môi trường kém trong ô đẻ (đặc biệt là nhiệt độ cao), hoặc đẻ khó mà heo nái không phục hồi đầy đủ.
Tóm lại, chúng ta có thể khẳng định rằng những heo nái cai sữa 0 con ở chuồng đẻ là một vấn đề ngày càng gia tăng và khó giải quyết, vì những heo nái cố gắng phục hồi sau khi cai sữa 0 con cho năng suất thấp hơn rõ ràng so với những con còn lại và có nguy cơ đáng kể là sẽ tiếp tục thất bại trong lần nuôi con tiếp theo. Tất nhiên, đây là kết luận chung và mỗi nhà chăn nuôi phải xác minh điều này dựa trên dữ liệu từ trang trại của mình để đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu về việc có nên giữ những con heo nái này ở lại trang trại hay không. Ngoài ra, do cơ hội phục hồi thay đổi tùy theo nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng nên quyết định tiếp tục giữ loại heo nái này ở trang trại cũng phải dựa trên đánh giá của từng cá thể nái.