Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập của 333, tôi được đề nghị đánh giá và nhìn nhận lại bài báo tôi đã viết năm 2005 có tựa đề “Loại bỏ virus PRRS: Chúng đến từ đâu và chúng sẽ đi về đâu?” (chỉ có ở phiên bản tiếng Tây Ban Nha). Đọc lại bài viết này gợi lại những kỷ niệm đẹp đẽ và hoài niệm về một thời kỳ lạc quan khi những tiến bộ trong hiểu biết về PRRS là đáng kể và đầy hy vọng, đặc biệt là những tiến bộ cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về cách thức lây truyền của virus, cách chúng ta có thể loại bỏ và ngăn chặn chủng mới xâm nhập vào trang trại.
Nhìn lại sau gần 20 năm, tôi vẫn bị ấn tượng bởi những gì người ta biết về loại virus này và đặc biệt là những gì mà ngành chăn nuôi heo đã làm để kiểm soát nó, ít nhất là ở Hoa Kỳ. Tôi không biết bất kỳ dịch bệnh trên heo nào đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống hàng ngày tại các trang trại ở Hoa Kỳ nhiều hơn bệnh này. Ở quê hương tôi người ta thường nói... PRRS có thể dịch chuyển cả núi đồi! Mặc dù không phải tất cả những thay đổi trong các quy trình an toàn sinh học, quản lý động vật thay đàn, chính sách dành cho nhân viên hoặc thay đổi cơ cấu công ty đều do PRRS, nhưng PRRS chính là chất xúc tác cho nhiều thay đổi đó. Tương tự như vậy, những thay đổi này cũng ảnh hưởng đến việc kiểm soát và hiểu biết về các bệnh khác như mycoplasma, bệnh tiêu chảy cấp trên heo và quan trọng nhất là đã thúc đẩy thái độ cải tiến và thay đổi liên tục, điều này giúp ngành chăn nuôi heo ở Hoa Kỳ tiếp tục là một trong những nơi hiệu quả nhất trên thế giới. Nói cách khác... PRRS đã buộc chúng ta phải trở nên tốt hơn!
Tuy nhiên, những tiến bộ này không phải lúc nào cũng được hiện thực hóa thành việc kiểm soát dịch bệnh lý tưởng và bền vững. Virus tiếp tục thay đổi và nhiều thách thức thực sự khiến chúng ta nản lòng vì có vẻ như chúng ta phải tiếp tục học những bài học cũ đã biết, đôi khi có cả những vấn đề mới. Những thách thức này rất phức tạp và thậm chí còn phức tạp hơn khi xét đến các yếu tố cản trở việc kiểm soát PRRS chính là cấu trúc, chi phí tốn kém và sự thay đổi.
Chúng ta đang ở đâu và chúng ta sẽ đi đâu?
Nhìn lại 20 năm qua, chúng ta sẽ nhận thấy những thay đổi nhỏ ngày càng gia tăng mà cuối cùng sẽ trở thành sự biến đổi lớn.
Một trong những thay đổi quan trọng nhất là kiến thức thu được từ khả năng tạo cơ sở dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu và đo lường mức độ bệnh tật một cách có hệ thống. Một trong những hệ thống đơn giản và sáng tạo nhất là dự án do Tiến sĩ Bob Morrison thuộc Đại học Minnesota khởi xướng với sự hỗ trợ của các bác sĩ thú y và nhà chăn nuôi, những người tự nguyện chia sẻ dữ liệu PRRS hàng tuần. MSHMP (Dự án theo dõi sức khỏe heo Morrison), chia sẻ dữ liệu về tỷ lệ mắc PRRS từ các trang trại heo nái đại diện cho hơn 50% đàn heo nái của Hoa Kỳ. Các cơ sở dữ liệu khác đã làm theo sáng kiến này, đặc biệt là những cơ sở dữ liệu cho phép tổng hợp dữ liệu chẩn đoán.
Điều quan trọng của những sáng kiến này là ngày nay có sự hợp tác giữa các công ty và trường đại học cho phép phân tích các mô hình và thay đổi của PRRS thông qua việc sử dụng "Dữ liệu lớn". Những cơ sở dữ liệu này có thể bao gồm thông tin về trình tự virus, luồng di chuyển động vật, tình trạng sức khỏe, v.v... và là cơ sở để áp dụng trí tuệ nhân tạo để xác định các mô hình mà chúng ta sẽ không thể biết nếu phân tích các thông số tương tự này chỉ ở cấp độ cá nhân.
Việc truy cập và triển khai dữ liệu lớn và các thuật toán thống kê như máy học (machine learning) sẽ tiếp tục cách mạng hóa cách chúng ta hiểu và quản lý PRRS.
Một điểm khác cần nhấn mạnh trong lĩnh vực chẩn đoán là giải trình tự toàn bộ gen PRRS. Ngày nay, có những phương pháp rẻ hơn để xác định trình tự một phần hoặc toàn bộ virus, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về đặc điểm di truyền chính của virus. Có hàng nghìn chuỗi được phân tích liên tục cho phép chúng ta xác định xu hướng và dự đoán. Một điểm cần nhấn mạnh là virus PRRS làm điều mà nó giỏi nhất... đó là thay đổi... và các chủng mới liên tục xuất hiện. Loại virus này không chỉ biến đổi nhanh chóng mà còn tái tổ hợp tạo ra các chủng mới, có cấu trúc khác nhau, có thể tạo ra biến chủng PRRS có sức tàn phá thậm chí còn khốc liệt hơn.
Các chủng PRRS mới xuất hiện ở Hoa Kỳ sau mỗi 3-7 năm, thay thế các chủng khác và gây ra các thiệt hại chấn động về kinh tế.
Tại Hoa Kỳ, gần đây chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của chủng 144 L1C, và tại Tây Ban Nha có sự xuất hiện của chủng Rosalia nổi tiếng. Điều này nhắc nhở chúng ta không thể chấp nhận suy nghĩ rằng chúng ta đã biết cách kiểm soát PRRS; chúng ta phải tiếp tục đấu tranh để ngăn chặn virus xâm nhập vào các trang trại.
Thật khó chịu khi chứng kiến sự xuất hiện của những chủng virus mới này trong khi chúng ta tưởng rằng đã biết cách kiểm soát virus! Sự xuất hiện của các chủng này như một lời nhắc nhở với tôi rằng việc kiểm soát PRRS phải bao gồm ở cả heo con và heo xuất chuồng. Chúng ta biết cách loại bỏ virus ở trang trại heo nái và chúng ta có thể thực hiện việc đó tương đối nhanh chóng và dễ dàng, nhưng điều chúng ta không biết là làm thế nào để kiểm soát PRRS một cách nhất quán trong giai đoạn sau cai sữa. Có ba điểm cần thiết:
- Cai sữa heo âm tính.
- Ngăn chặn sự xâm nhập của chủng mới (an toàn sinh học).
- Giảm/ngăn chặn sự nhân lên của virus ở những động vật này.
Chúng ta cần các giải pháp dược phẩm dù là các sản phẩm chống virus hay là vắc-xin bảo vệ có thể làm giảm đáng kể lượng virus, bảo vệ chống lại đa chủng và ngăn chặn sự truyền lây của virus.
Sự thất vọng về an toàn sinh học: Thách thức trong việc thực hiện ATSH một cách có hệ thống, đơn giản, nhất quán và tiết kiệm chi phí
Chủ đề tôi yêu thích nhất nhưng cũng khó khăn nhất là nói về “an toàn sinh học”. Mặc dù chúng ta đã đi một chặng đường dài để hiểu cách thức virus di chuyển và trong nhiều ca bệnh, các công ty chăn nuôi đã triển khai các quy trình an toàn sinh học hiệu quả, nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng hệ thống chăn nuôi rất phức tạp và chuỗi sản xuất có nhiều điểm quan trọng, mỏng manh và phải được củng cố một cách có hệ thống. Các biện pháp an toàn sinh học như lọc không khí, cách ly, rửa xe tải và khử trùng là rất cần thiết, nhưng thách thức vẫn là thực hiện chúng một cách có hệ thống, đơn giản, nhất quán và tiết kiệm chi phí. Trong tương lai, chúng ta sẽ tiếp tục thấy các công ty thực hiện các chương trình an toàn sinh học một cách hiệu quả, miễn là mang lại lợi ích kinh tế đủ để chứng minh rằng sự đầu tư cho các biện pháp an toàn sinh học là xứng đáng. Điều chúng tôi đã học được là trước khi bắt đầu các chương trình loại bỏ virus, trước tiên cần phải áp dụng các biện pháp an toàn sinh học phòng ngừa tại các trang trại. Nói cách khác, chúng ta không thể cầm đèn chạy trước ôtô.
Cuối cùng, tôi không thể không đề cập đến tầm quan trọng của việc có động vật đề kháng lại virus PRRS. Những điều tưởng chừng như khoa học viễn tưởng giờ đây đã trở thành hiện thực nhờ việc sử dụng các công nghệ giúp chỉnh sửa bộ gen của heo. Người ta đã chứng minh rằng nếu thụ thể cho phép nhiễm PRRS (thụ thể CD 163) được sửa đổi thì heo sẽ không bị nhiễm bệnh. Thành tựu khoa học này cần được tôn vinh và có thể thể hiện sự thay đổi mang tính chuyển đổi trong cách giải quyết vấn đề kiểm soát PRRS. Tuy nhiên, khoa học và việc tiêu thụ các sản phẩm biến đổi công nghệ không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau và không rõ người tiêu dùng sẽ phản ứng thế nào khi biết rằng thịt heo có thể đã được chỉnh sửa gen. Nói cách khác, có rất nhiều điều không chắc chắn về việc liệu heo kháng PRRS có thực sự chiếm một vị trí quan trọng trên thị trường Hoa Kỳ hay không.
Chúng ta nên xem xét điều gì khác?
Cái giá của PRRS quá lớn để có thể làm ngơ. Chúng ta phải tiếp tục xem xét cách thực hiện các biện pháp kiểm soát tốt hơn và tập trung vào việc ngăn ngừa lây nhiễm không chỉ ở trang trại heo nái mà còn trong các giai đoạn sau cai sữa để sau đó có thể xem xét các chương trình loại trừ ở cấp hệ thống, khu vực hoặc quốc gia. Các chương trình loại trừ khu vực sẽ chỉ có thể thực hiện được nếu trước tiên chúng ta tăng cường hợp tác và an toàn sinh học. Cuối cùng, chúng ta nên mong đợi sự hiểu biết sâu hơn về khía cạnh di truyền và kháng nguyên của virus nhờ cơ sở dữ liệu và phân tích được thực hiện bởi trí tuệ nhân tạo. Những phân tích này có thể là chìa khóa để phát triển vắc-xin mới, sản phẩm chống virus mới hoặc kiến thức mới cho phép chúng ta ngăn chặn virus di chuyển giữa các trang trại một cách hiệu quả hơn.
Tôi muốn kết thúc bài viết này với dự đoán rằng trong 20 năm tới, virus PRRS sẽ không còn là thách thức đối với ngành chăn nuôi heo nữa, tuy nhiên, tôi tin chắc rằng nó sẽ tiếp tục hiện diện và gây ra nhiều vấn đề. Các nhà chăn nuôi và bác sĩ thú y sẽ tiếp tục thu thập thông tin quan trọng để nâng cao việc kiểm soát PRRS và kiến thức này sẽ đóng góp vào sự tiến bộ trong việc quản lý các bệnh khác cũng gây ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi heo. Hãy hy vọng rằng những tiến bộ này sẽ có ý nghĩa giúp các nhà chăn nuôi có thể cải thiện khả năng cạnh tranh và tình trạng sức khỏe đàn heo trong trang trại của họ!