Một trong những chỉ số được dùng để phân tích hiệu quả sản xuất của trang trại là số ngày không sản xuất (NPD). Số ngày không sản xuất được định nghĩa là: số ngày mà heo nái không sản xuất ra heo con, tức là số ngày heo nái không mang thai hoặc nuôi con. Mặc dù có lẽ nó không phải là một trong những chỉ số được phân tích phổ biến nhất, nhưng một trong những lý do khiến nó rất hữu ích là bởi nó có thể dễ dàng chuyển đổi thành dữ liệu kinh tế: chúng ta chỉ cần nhân số ngày không sản xuất này với chi phí đơn vị theo ngày của nái, hiện tại có thể là khoảng 3 -3,5 €, để tìm hiểu tác động kinh tế mà chúng đang gây ra.
Bây giờ, chúng ta có chắc chắn rằng tất cả số ngày heo nái không mang thai hoặc không nuôi con đều là ngày không sản xuất hay không? Hãy minh họa câu hỏi này bằng hai tình huống:
- Khoảng thời gian từ khi nhập đàn đến lần phối giống đầu tiên. Trong nhiều hệ thống và chương trình quản lý, số ngày không sản xuất được tính từ thời điểm một heo hậu bị được nhập vào trang trại (hoặc từ khi nái được chọn nếu chúng ta tự gây hậu bị thay đàn) cho đến khi nó được phối giống. Nhưng tất nhiên, những gì chúng ta làm trong giai đoạn này là chuẩn bị nái thật tốt (cho tiếp xúc với heo đực và phát hiện động dục, kiểm soát tăng trưởng và điểm thể trạng của nái, v.v.), cho đến khi đúng thời điểm và điều kiện thích hợp để phối giống lần đầu tiên. Do đó, theo cách gián tiếp, chúng ta đang thực hiện một quy trình bắt buộc để heo nái có thể sinh ra heo con một cách chính xác trong suốt vòng đời sản xuất của nó. Vì vậy, chúng ta chỉ nên tính những ngày vượt quá độ tuổi mục tiêu đã thiết lập cho lần phối giống đầu tiên là những ngày không sản xuất.
- Khoảng thời gian từ khi cai sữa đến phối lần đầu. Tình huống này cũng tương tự, số ngày không sản xuất được tính từ ngày cai sữa, nhưng heo nái cần thời gian tối thiểu là 4 ngày (với một số ngoại lệ) để kích hoạt toàn bộ quá trình nội tiết tố dẫn đến biểu hiện động dục và khả năng để có thai lần nữa. Một lần nữa, heo nái đang sản xuất heo con một cách gián tiếp trong những ngày đó. Sau ngày thứ tư, những ngày tiếp theo sẽ thực sự được tính là ngày không sản xuất.
Vì hai khoảng thời gian này (nhập đàn – lần phối giống đầu tiên và cai sữa - ngày thứ 4) là không thể tránh khỏi và cần thiết để heo nái thực hiện đúng chức năng sản xuất heo con của mình, nên người ta có thể cân nhắc loại chúng ra khỏi số ngày không sản xuất. Để làm vậy, chúng tôi đề xuất một khái niệm mới, số ngày hao phí. Đây sẽ là số ngày không sản xuất điển hình nhưng trừ ra hai tình huống trên và khái niệm số ngày hao phí sẽ được đặt tên cho những ngày mà heo nái không sản xuất ra heo con do hoạt động kém hiệu quả (động dục lại, loại thải, heo nái động dục muộn hơn dự kiến, nái không bầu, sẩy thai và phối giống lại, v.v.), vì vậy đây sẽ là chỉ số trực tiếp hơn để xem xét và phân tích các vấn đề sinh sản của trang trại.
Chúng tôi sẽ minh họa sự khác biệt này bằng một ví dụ cụ thể. Sử dụng một trang trại điển hình có 550 nái sinh sản và quản lý theo nhóm 3 tuần, bây giờ chúng tôi sẽ so sánh 8 loại ngày không sản xuất (Koketsu và cộng sự, 2005) với cùng loại nhưng tính bằng ngày hao phí, cho thấy khoảng thời gian tương ứng của mỗi loại theo ngày. Xem xét rằng độ tuổi mục tiêu ở lần phối giống đầu tiên trong trường hợp này là 240 ngày, chúng tôi thấy hai khoảng thời gian này giảm rõ ràng như thế nào, đặc biệt là khoảng thời gian liên quan đến heo nái hậu bị trước khi phối giống. Tất nhiên, độ tuổi mục tiêu ở lần phối giống đầu tiên (trong ví dụ này là 240 ngày) phải được xác định bởi từng trang trại, dựa trên dòng di truyền được sử dụng và kế hoạch quản lý nái thay đàn ở trại. Và nếu một heo nái được phối trước độ tuổi mục tiêu đó nhưng trong điều kiện thể trạng tốt, thì đơn giản là nái không tích lũy ngày không sản xuất.
Bảng 1. Khoảng thời gian không sản xuất so với khoảng thời gian hao phí (ngày).
Số ngày không sản xuất
Khoảng thời gian | Số ngày |
---|---|
Nhập đàn - Phối lần đầu | 152.5 |
Nhập đàn - Loại thải | 161.6 |
Hậu bị phối lần đầu - phối đậu | 40.8 |
Hậu bị phối lần đầu - Loại thải | 63.8 |
Cai sữa - Phối lần đầu | 8.3 |
Cai sữa - Loại thải | 12.6 |
Nái rạ phối lần đầu - phối đậu | 55.0 |
Nái rạ phối lần đầu - loại thải | 73.6 |
Số ngày hao phí
Khoảng thời gian | Số ngày |
---|---|
240 ngày - Phối lần đầu | 18.0 |
Nhập đàn - Loại thải | 161.6 |
Hậu bị phối lần đầu - phối đậu | 40.8 |
Hậu bị phối lần đầu - Loại thải | 63.8 |
4 ngày sau cai sữa – phối lần đầu | 4.3 |
Cai sữa - Loại thải | 12.6 |
Nái rạ phối lần đầu - phối đậu | 55.0 |
Nái rạ phối lần đầu - loại thải | 73.6 |
Dưới đây chúng tôi gộp tám loại và chuyển những ngày này thành số ngày không sản xuất và ngày hao phí trên nái trên năm, tức là số ngày trung bình mà một con heo nái không sản xuất hoặc hao phí mỗi năm. Chúng tôi chỉ ra mức trung bình trên mỗi con heo nái hiện có (kể từ khi nhập heo vào trang trại) và trên mỗi con heo nái sản xuất (kể từ lần phối giống đầu tiên).
Bảng 2. Số ngày không sản xuất trung bình trên nái trên năm so với số ngày hao phí trên nái trên năm (ngày).
Nái hiện có | Nái sản xuất | |
---|---|---|
Số ngày không sản xuất | 96.7 | 39.0 |
Số ngày hao phí | 43.8 | 32.2 |
Sự khác biệt rất rõ ràng nếu chúng ta xem xét dựa trên số heo nái hiện có, điều này hợp lý vì đối với số ngày hao phí, chúng tôi đã loại trừ tất cả các ngày từ ngày nhập trại đến 240 ngày. Nhưng cũng rất quan trọng khi ta xem xét dự trên số nái sản xuất.
Ở bảng cuối cùng này, chúng ta có thể khẳng định rằng mỗi con heo nái trong trang trại không sản xuất trung bình 32,2 ngày mỗi năm do nhiều sự kém hiệu quả khác nhau nếu chúng ta chỉ tính những con heo nái sản xuất, hoặc 43,8 ngày nếu chúng ta tính cả những con nái hậu bị được phối giống sau hơn 240 ngày hoặc chưa bao giờ được phối giống.
Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng số ngày hao phí, vì chúng loại trừ những ngày không sản xuất về mặt lý thuyết mà thực tế là không thể tránh khỏi và trong thời gian đó heo nái không sản xuất heo con, sẽ là một chỉ số chính xác hơn để đánh giá tác động của các hoạt động sinh sản kém hiệu quả ở trang trại.