Sau chuồng đẻ, chuồng cai sữa là khu vực tốn kém nhất trong trại nái. Tùy thuộc vào mức độ áp dụng công nghệ, chuồng cai sữa có thể tốn chi phí ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn chuồng đẻ.
Điều này là hoàn toàn dễ hiểu: heo con tách mẹ chắc chắn là thời điểm rủi ro nhất trong cuộc đời của heo. Thời điểm tách mẹ càng sớm, rủi ro càng lớn, do đó heo con cần một môi trường thực sự phù hợp để phát triển.
Hãy nhớ rằng, lượng năng lượng hấp thụ và khả năng miễn dịch của heo con từ ba đến bốn tuần tuổi phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc bú sữa mẹ. Trên thực tế, heo con không thể tiêu hóa một lượng thức ăn đáng kể và các enzyme tiêu hóa của heo con vẫn chưa hoàn thiện, khiến những ngày đầu sau cai sữa gặp rủi ro và lượng năng lượng hấp thụ không đủ có thể gây ra các phản ứng nguy hiểm, đặc biệt là trong môi trường "khí hậu" không phù hợp.
Vì những lý do này (và những lý do khác), độ tuổi cai sữa càng nhỏ thì càng cần phải chăm sóc (và đầu tư) nhiều hơn để quản lý môi trường (và vật nuôi).
Do đó, việc lập kế hoạch và tạo ra môi trường cai sữa phù hợp với độ tuổi và số lượng heo con là rất quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề thường xảy ra (do lập kế hoạch không phù hợp, sản lượng quá cao, năng suất được cải thiện, v.v.) là thiếu chuồng cai sữa, vì vậy chúng ta phải tìm kiếm các giải pháp thay thế.
Cách tạo ra hoặc sử dụng một chuồng "thay thế" để cai sữa
Có một số mô hình, chẳng hạn như người chăn nuôi này đề xuất điều chỉnh một ô chuồng "tiêu chuẩn" (chuồng bầu, chuồng nái hậu bị) thành chuồng cho heo con cai sữa.
Ô chuồng được chia làm hai khu vực: khu nghỉ ngơi bên trong và khu vệ sinh bên ngoài được điều chỉnh bằng cách lắp tấm chắn có lỗ ra vào, quây lại một khu vực có rải mùn cưa lót nền và đèn gas để sưởi ấm. Heo con sẽ nghỉ ngơi và sưởi ấm trong “ổ” này. Ngay bên ngoài (vẫn thuộc cùng ô chuồng) có đặt máng ăn khô và vòi uống nước.
Khu vực chuồng bên ngoài có sàn lát để heo đi vệ sinh.