Các loài thuộc họ heo có chung đặc điểm là nhau thai có biểu mô sáu lớp, trừ khi bị tổn thương trong quá trình mang thai, do đó sẽ ngăn cản các phân tử lớn như globulin miễn dịch (Ig) từ heo mẹ truyền sang bào thai. Mặt khác, bào thai có thể tự sản xuất kháng thể chống lại các kháng nguyên trong khoảng thời gian 1/3 cuối của thai kỳ và bào thai cũng có các tế bào miễn dịch chưa trưởng thành về chức năng cũng như các thành phần ngoại bào có khả năng đáp ứng với sự xâm nhiễm. Vì thế, heo sơ sinh không có khả năng miễn dịch hoàn chỉnh và người ta cho rằng để được hình thành hoàn chỉnh, đáp ứng miễn dịch bảo hộ thích ứng của heo con cần khoảng bốn tuần. Đồng nghĩa, việc bảo vệ heo con sơ sinh chống lại các tác nhân lây nhiễm phụ thuộc vào việc tiếp nhận miễn dịch mẹ truyền (MDI) từ sữa đầu và sữa mẹ.
Lượng MDI truyền từ heo nái sang đàn con được xác định bằng:
- mức độ miễn dịch của heo nái lúc đẻ
- thời điểm bú sữa đầu của heo con sau sinh
- lượng sữa đầu được hấp thu
Trong mọi trường hợp, tăng cường khả năng miễn dịch của đàn heo nái chống lại các mầm bệnh đặc hiệu thông qua phơi nhiễm và/hoặc tiêm phòng là một công cụ quản lý hữu ích để cải thiện hiệu quả lâm sàng ở heo con và trì hoãn sự xâm nhiễm cho đến khi hệ miễn dịch của heo con được chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng chống lại mầm bệnh. Tuy nhiên, độ dài miễn dịch của MDI khá khác nhau giữa các mầm bệnh. Trong điều kiện thực địa, nó thường chỉ được đo bằng một nhánh của hệ thống miễn dịch, nhánh miễn dịch dịch thể: kháng thể mẹ truyền (MDA). Độ dài miễn dịch của MDA được xem xét dựa vào độ tuổi của heo con mà tại đó mức MDA của heo giảm xuống dưới giới hạn phát hiện của xét nghiệm. Điều quan trọng cần lưu ý là độ dài miễn dịch của MDA phụ thuộc vào nồng độ MDA ban đầu và ngưỡng của xét nghiệm huyết thanh học được sử dụng.
Nếu mức MDI giảm dần trước khi hệ miễn dịch của heo con có đáp ứng chống lại một mầm bệnh nhất định, có nghĩa chúng sẽ có một khoảng-hở-không-được-bảo-hộ và heo con rất dễ nhiễm bệnh. Do đó, giải pháp tốt nhất là nên tiêm phòng cho heo con trước khi chúng bị nhiễm bệnh tự nhiên, mặc dù điều đó có nghĩa là việc sử dụng vaccine sẽ được thực hiện ngay cả khi có sự xuất hiện của MDI chống lại hầu hết các mầm bệnh.
Tùy thuộc vào mức độ MDI, có thể gây cản trở đến việc sử dụng vaccine, tác động xấu tới khả năng chuyển đổi huyết thanh và hiệu quả của vaccine. MDI ở heo con có thể do nhiễm bệnh tự nhiên, do tiêm phòng hoặc do cả hai. Trong trường hợp thứ hai, và đặc biệt nếu heo nái được tiêm vaccine trong giai đoạn cuối của thai kỳ, lượng MDA truyền sang đàn con đo được có thể rất cao, làm tăng nguy cơ cản trở hiệu quả của vaccine. Tuy nhiên, sử dụng vaccine cho heo nái và heo con vào thời điểm thích hợp có thể mang lại kết quả tốt nhất để bảo vệ đàn và năng suất.
Cản trở hiệu quả của vaccine có thể liên quan đến một số cơ chế có thể xảy ra, bao gồm:
- sự trung hòa của kháng nguyên tạo miễn dịch
- các epitope của tế bào lympho B bị chiếm chỗ
- và/hoặc điều chỉnh giảm sự tổng hợp Ig ở heo sơ sinh bằng cách ức chế sự trưởng thành và phát triển của tế bào B.
Điều quan trọng là, việc cản trở đến hiệu quả của vaccine chủ yếu thường có liên quan với các loại vaccine có đường tiêm bắp (và có thể là tiêm trong da) để tạo ra đáp ứng miễn dịch toàn thân và cuối cùng là đáp ứng miễn dịch niêm mạc. Tuy nhiên, mức độ can thiệp do MDA đến hiệu quả hiện có của vaccine trên bề mặt niêm mạc vẫn chưa được biết rõ.
Khi hàm lượng kháng thể toàn thân ở mức cao tại thời điểm tiêm bắp, tác động cản trở điển hình nhất là giảm hoặc không có chuyển đổi huyết thanh. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là liệu sự cản trở chuyển đổi huyết thanh này có dẫn đến hiệu quả thấp hơn của vaccine hay không? Phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất để đo lường hiệu quả tiêm phòng về mặt các thông số năng suất là tính mức tăng trọng bình quân ngày (ADWG).
Ngày nay, heo con thường được tiêm vaccine phòng một số mầm bệnh ngay từ giai đoạn sớm. Các tác nhân truyền nhiễm phổ biến nhất đã được phát triển thành vaccine dành cho heo con được trình bày chi tiết trong Bảng 1, bao gồm cả dữ liệu hiện tại về khả năng cản trở hiệu quả của vaccine. Điều quan trọng là, mặc dù sự cản trở hiệu quả của vaccine thường được đặc trưng bằng cách so sánh các nhóm tiêm vaccine thử nghiệm có các hiệu giá kháng thể khác nhau, nhưng nó cũng có thể được nghiên cứu bằng cách so sánh các nhóm tiêm vaccine ở các độ tuổi khác nhau.
Bảng 1. Cản trở của MDA đến hiệu quả của vaccine về mặt huyết thanh học và các thông số sản xuất đối với một số mầm bệnh đường hô hấp và toàn thân ở heo.
Mầm bệnh | Tuổi tiêm phòng (tuần) |
Cản trở chuyển đổi huyết thanh của kháng thể (xét nghiệm được sử dụng) (1) |
Can thiệp vào các thông số sản xuất (thông số được đánh giá) (2) |
---|---|---|---|
Virus cúm heo | 3 | Có (Xét nghiệm HI) | Không đánh giá |
Các nhóm tuổi khác nhau | Có (Xét nghiệm HI) |
Không đánh giá |
|
16 | Có (Xét nghiệm HI, ELISA) |
Không đánh giá |
|
Virus PRRS | 3 | Có (ELISA, VNT) |
Không đánh giá |
3 & 4 | Có (ELISA) |
Không đánh giá |
|
PCV2 | 4 | Có (ELISA) | Không (Tăng trọng bình quân ngày) |
3 | NE | Không (Tăng trọng bình quân ngày) | |
3 | Có (IPMA, VNT) |
Không đánh giá |
|
3 | Có (ELISA) |
Không đánh giá |
|
3 | Có (IPMA) |
Không đánh giá |
|
4 | Có (IPMA) | Không (Tăng trọng bình quân ngày) | |
Các nhóm tuổi khác | Có (ELISA) | Có (Tăng trọng bình quân ngày) | |
4 | Có (ELISA) |
Không đánh giá |
|
3 | Có (ELISA) | Chỉ khi giá trị S/P thời điểm tiêm phòng cực kỳ cao (Tăng trọng bình quân ngày) | |
2 | Không đánhgiá | Không (Tăng trọng bình quân ngày, tỷ lệ chết) | |
M. hyopneumoniae | 1 & 4 | Có (ELISA) | Không (Tăng trọng bình quân ngày, tỷ lệ chết) |
2 | Có (ELISA) |
Không đánh giá |
|
1 & 4 | Có (NC) |
Không đánh giá |
|
1 | Không (ELISA) |
Không đánh giá |
|
1 | Không (ELISA) |
Không đánh giá |
|
1 | Có (ELISA) |
Không đánh giá |
|
1 | Có (ELISA) |
Không đánh giá |
|
A. pleuropneumoniae | 6 | Có (ELISA) |
Không đánh giá |
6 | (ELISA) |
Không đánh giá |
(1) "Có" khi độ tuổi và/hoặc MDA của heo nghiên cứu có liên quan đến giảm/chậm đáp ứng kháng thể hoạt động sau tiêm phòng; “Không” khi tuổi và/hoặc MDA của heo nghiên cứu được cho là không làm giảm/chậm đáp ứng kháng thể hoạt động sau tiêm phòng; “NE” khi kháng thể trong huyết thanh không được đánh giá. Xét nghiệm HI: Xét nghiệm ức chế ngưng kết hồng cầu; VNT: Xét nghiệm trung hòa virus; ELISA: Xét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết với enzyme; IPMA: Xét nghiệm miễn dịch peroxidase đơn lớp; NC: Không được trích dẫn.
(2) NE: Không được đánh giá; ADWG: Tăng trọng bình quân ngày.
Một số nghiên cứu về mầm bệnh trong Bảng 1 đã chỉ ra rằng MDA có thể cản trở khả năng chuyển đổi huyết thanh, đặc biệt khi hiệu giá kháng thể toàn thân cao tại thời điểm tiêm phòng cho heo con. Do đó, trong một số trường hợp, có thể sẽ hay hơn nếu đợi lượng MDA giảm xuống và tiêm phòng cho heo con sau 3 – 4 tuần tuổi, hoặc thậm chí muộn hơn. Ngược lại, khi hiệu quả của vaccine cũng được đánh giá, sự cản trở được thể hiện ở khía cạnh chuyển đổi huyết thanh được tạo ra sau tiêm phòng, nhưng nó hiếm khi được hiểu là đồng nghĩa có các thông số năng suất kém hơn. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng: vaccine thương mại đã được chứng minh là kém hiệu quả sẽ khó được xuất hiện trong tài liệu khoa học công bố. Hơn nữa, cũng sẽ rất thú vị khi nghiên cứu xem liệu sự tồn tại của khả năng miễn dịch mẹ truyền qua trung gian tế bào chống lại kháng nguyên đặc hiệu ở heo con sơ sinh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển miễn dịch do vaccine tạo ra hay không, đặc biệt trong những trường hợp heo con được tiêm phòng từ rất sớm.
Nhìn chung, dựa trên các tài liệu hiện có, tiêm phòng sớm cho heo con có thể được xem là một lựa chọn rất quan trọng để bảo vệ heo con về mặt giảm các dấu hiệu lâm sàng và cải thiện các thông số năng suất, bất chấp vấn đề cản trở khả năng chuyển đổi huyết thanh học có thể xảy ra. Trên thực tế, không có kết luận nào được đưa ra về việc cản trở các thông số năng suất dựa trên tài liệu đã xuất bản hiện hành.
Trích từ bài báo: Tác động của miễn dịch mẹ truyền đối với các đáp ứng miễn dịch được tạo ra từ việc tiêm vaccine sớm cho heo con chống lại các mầm bệnh phổ biến nhất liên quan đến bệnh hô hấp phức hợp ở heo. Martínez-Boixaderas N, Garza-Moreno L, Sibila M, Segalés J.Porcine Health Manager. 2022 16 tháng 3;8(1):11.