Heo con cai sữa thông thường sẽ trải qua những thay đổi về dinh dưỡng, tâm lý và môi trường liên quan đến các hoạt động sản xuất bao gồm thay đổi chế độ ăn, tách khỏi heo mẹ, ghép lẫn heo con không cùng lứa, di chuyển/vận chuyển, và (hoặc) thay đổi nhiệt độ và các thông số chất lượng không khí. Những thách thức (thường) đột ngột, đồng thời này (yếu tố gây căng thẳng) nói chung không chỉ làm giảm lượng ăn vào tự nguyện và tốc độ tăng trưởng sau khi cai sữa, mà còn có thể có những tác động bất lợi đáng kể đến cấu trúc và chức năng đường tiêu hóa (Hình 1). Tình trạng bất ổn sau cai sữa có thể ảnh hưởng đến tình trạng bệnh tật và chức năng miễn dịch, và sau đó ảnh hưởng đến sức khỏe và phúc lợi của heo, đồng thời có thể gây ra hậu quả lâu dài cho một số heo con về năng suất, khả năng sống sót, tình trạng bệnh tật và đáp ứng với các tác nhân gây căng thẳng sau này. Những cải thiện về dinh dưỡng, chuồng trại và môi trường, sức khỏe và quản lý đã giảm thiểu một số tác động tiêu cực của stress khi cai sữa, nhưng dù sao, cai sữa trong hầu hết các điều kiện thương phẩm vẫn là một bất lợi lớn trong sản xuất, với các cơ chế cụ thể làm thay đổi tính nhạy cảm chức năng đường tiêu hoá do stress và hậu quả của nó đối với tăng trưởng và bệnh tật vẫn còn chưa được hiểu rõ.
Thông thường, chúng ta muốn giảm bớt căng thẳng cho heo con cai sữa càng nhiều càng tốt. Các yếu tố chính cần được giải quyết để giúp heo con chuyển tiếp thuận lợi nhất có thể từ môi trường trong chuồng đẻ sang môi trường sau cai sữa bao gồm:
- Môi trường vật lý (ví dụ, quy trình khử trùng và để khô thích hợp)
- Nhiệt độ (giữ heo mới cai sữa trong vùng trung hoà nhiệt, 28-30°C ngay sau khi cai sữa)
- Dinh dưỡng và giai đoạn đổi cám (ví dụ: làm quen với cám trước khi cai sữa, hình thức và loại cám được cung cấp, cách bố trí cám và nước)
- Phân nhóm/cấu trúc đàn (ví dụ: mật độ nuôi đúng mức)
- Quản lý sức khỏe (ví dụ, quan sát các dấu hiệu sức khỏe kém, hoặc sức khỏe kém sắp xảy ra, xác định (các) hành động khắc phục thích hợp).
Đặc biệt, heo con nhẹ cân/nhỏ con lúc cai sữa cần được quan tâm và chăm sóc thêm vì chúng rất có thể sẽ phải "vất vả" hơn - nhưng không phải lúc nào cũng vậy - để thích nghi với việc cai sữa.
Những yếu tố này đã được công nhận rõ ràng, và các nhà sản xuất lớn sẽ thực hiện các hành động để giảm mức độ ảnh hưởng tiêu cực của việc cai sữa đối với năng suất sản xuất. Tuy nhiên, những thực hành này sẽ không chắc chắn ngăn chặn các sự việc như cắn nhau (để thiết lập thứ bậc trong bầy), lượng ăn vào ít và khác nhau giữa các con heo, và bệnh tật sau khi cai sữa. Những ảnh hưởng này hiện có liên quan rõ ràng đến sự xáo trộn gây ra bởi stress trên đường tiêu hoá, bao gồm hệ thần kinh ruột kích thích quá mức, tế bào viêm được kích hoạt và giải phóng, tăng tính thấm đường tiêu hoá, và (hoặc) tiêu chảy (hệ quả). Thật vậy, nghiên cứu về 'trục não-ruột' đã tiết lộ những tác động mạnh mẽ mà stress có thể gây ra đối với tín hiệu xảy ra giữa đường tiêu hoá và hệ thần kinh trung ương, cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa cấu trúc và chức năng đường tiêu hoá, hệ thống thần kinh ruột và miễn dịch niêm mạc, và hệ vi sinh vật. Các mối liên hệ với tuổi của heo con khi cai sữa, sự khác nhau giữa đực-cái và các yếu tố trước khi cai sữa cũng đã được xác nhận, và các hiểu biết thêm về các cơ chế cơ bản này có thể hỗ trợ các chiến lược hành động để giảm nhiều hơn nữa những thách thức khi cai sữa.
Bằng chứng trên heo con hiện nay chỉ ra rằng các sự kiện căng thẳng đầu đời khiến rối loạn chức năng đường tiêu hoá khởi phát sớm hơn và có thể gây ra những hậu quả tiêu cực trọn đời. Nhìn chung, heo con cai sữa dưới 20 ngày tuổi cho thấy có nhiều biểu hiện xấu trong quá trình cai sữa so với heo con cai sữa ở các độ tuổi lớn hơn. Điều này đặt ra câu hỏi về độ tuổi cai sữa thích hợp nhất trong điều kiện sản xuất thương mại ngày nay? Dựa trên công trình nghiên cứu của Main và cộng sự vào đầu những năm 2000, Faccin và cộng sự đã nghiên cứu ảnh hưởng của việc tăng tuổi cai sữa (các lứa cai sữa lúc 19, 22, 25 hoặc 28 ngày tuổi) đối với năng suất heo khi giết mổ và tỷ lệ ủi bụng trong một trại sử dụng hệ thống chăn nuôi nhiều khu ở Brazil. Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng việc tăng tuổi cai sữa đã cải thiện năng suất tổng thể (Bảng 1), và mặc dù năng suất trọn đời không bị ảnh hưởng bởi độ tuổi cai sữa được nghiên cứu, nhưng những tác động tích cực nhất quán trong giai đoạn cai sữa và số lượng heo xuất chuồng tăng lên do tỷ lệ loại thấp hơn, cũng trong giai đoạn cai sữa, ngụ ý rằng 25 ngày là tuổi cai sữa tối ưu. Những dữ liệu này củng cố nghiên cứu trước đó của Colson và cộng sự ở Pháp cho thấy rằng heo con cai sữa lúc 21 ngày có hệ quả tiêu cực hơn về tốc độ tăng trưởng và đáp ứng với stress so với cai sữa ở ngày 28, mặc dù vẫn quan sát thấy rối loạn hành vi ở cả hai nhóm cai sữa.
Bảng 1. Ảnh hưởng của tuổi cai sữa đến trọng lượng bán ra trên mỗi con heo cai sữa1 trong ba kịch bản thị trường (sau Faccin và cộng sự, 2020).
Chỉ tiêu | Tuổi cai sữa, ngày | Xác suất, P < | |||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
Số kg bán ra/số heo cai sữa được, kg | 19 | 22 | 25 | 28 | SEM | Linear | Quadratic |
Ngày cố định, kg2 | 102.8 | 109.0 | 118.0 | 120.6 | 2.73 | <0.001 | 0.266 |
Tuổi cố định, kg3 | 112.1 | 115.1 | 121.1 | 120.6 | 2.84 | <0.001 | 0.286 |
Cân trọng cố định, kg4 | 121.1 | 125.2 | 128.1 | 129.0 | 1.32 | <0.001 | 0.137 |
1Số kg bán ra trên mỗi heo cai sữa được = (thể trọng cuối * tổng số heo tồn cuối theo ô)/Tổng số heo cai sữa cần để thả vào 1 ô heo thịt.
2Fixed day: thể trọng cuối cùng tại ngày thứ 94 nuôi tại chuồng heo thịt.
3Fixed age: tất cả các lô đạt 164 ngày tuổi.
4Fixed weight: tất cả các lô đạt 135kg thể trọng bán ra.
BW = thể trọng.
Khi thời gian trôi qua và các công cụ để giảm bớt sức khỏe và bệnh tật trong nhà Cai sữa ngày càng hạn chế, chúng ta thấy ngày càng nhiều nhà sản xuất kéo dài tuổi cai sữa trung bình của hệ thống cho phù hợp để đường tiêu hoá trưởng thành và chức năng hoạt động đầy đủ hơn, hỗ trợ quá trình chuyển tiếp sau cai sữa.
Một câu hỏi khác là độ tuổi cai sữa so với trọng lượng cai sữa, với cảm giác chung là heo con nặng hơn ở cùng độ tuổi cai sữa có thể đối mặt tốt hơn các tác nhân gây stress sau cai sữa; tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu kiểm tra yếu tố này. Người ta thừa nhận rằng các chiến lược phân bổ heo trong nhà Cai sữa có thể ảnh hưởng đến hành vi và năng suất của heo, đặc biệt là khi bắt đầu cho ăn. Nói chung, việc cai sữa thành nhóm trọng lượng khác nhau so với nhóm trọng lượng đồng đều có ít đến không có ảnh hưởng đến năng suất tổng thể của nhà Cai sữa, mặc dù heo nặng hơn khi cai sữa cùng lứa tuổi dường như bị tác động tiêu cực hơn bởi những thách thức sau cai sữa so với heo nhẹ cân hoặc trung bình, có thể vì chúng dành nhiều thời gian hơn để thiết lập thứ bậc trong bầy.
Giới tính sinh học từ lâu đã được biết đến như một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với một số bệnh ở người, do đó không có gì ngạc nhiên khi ở heo non cũng có hiện tượng khác biệt giữa con đực-cái. Người ta biết rằng ở trẻ sơ sinh và các loài khác, sự khác biệt về miễn dịch xuất hiện rất sớm trong đời, ngay cả trong giai đoạn trước khi sinh, với con cái sơ sinh sinh non có diễn biến bệnh ít nghiêm trọng hơn và tiên lượng được cải thiện ở nhiều trạng thái bệnh lý hơn so với con đực sơ sinh. Nhìn chung, và mặc dù vẫn còn cần nhiều nghiên cứu hơn, nhưng hậu bị cái cho thấy khả năng hoạt hóa miễn dịch và thần kinh cao hơn, tăng tính thấm ruột và tăng tiêu chảy sau khi cai sữa so với con đực đồng loại, nhưng dường như tỷ lệ chết lại thấp hơn so với đực thiến hoặc nọc giống. Điều này cho thấy rằng phản ứng tăng cao trên đường tiêu hoá ở con cái có thể mang lại lợi thế hơn con đực về khả năng sinh tồn.
Một nghiên cứu của Burdick Sanchez và cộng sự trong đó hậu bị cái hoặc heo đực thiến cai sữa bị nhiễm Salmonella typhimurium, báo cáo cho thấy hậu bị có phản ứng nhiệt độ trong phúc mạc lớn hơn (Hình 2), số lượng tế bào lympho và basophil lớn hơn, nhưng giảm hematocrit (dung tích hồng cầu), tiểu cầu, tổng tế bào bạch cầu, và bạch cầu trung tính nhiều hơn so với heo đực thiến. Hậu bị cai sữa dường như tạo ra phản ứng giai đoạn cấp tính mạnh hơn với thách thức so với heo đực thiến mà không ảnh hưởng đến hành vi đau ốm hoặc chuyển mô hoặc bài thải Salmonella, cho thấy rằng việc quản lý riêng biệt hậu bị và heo đực thiến có thể tác động đáng kể đến việc quản lý sức khỏe đàn trong giai đoạn cai sữa/giai đoạn đầu sau cai sữa.
Cần nghiên cứu thêm để xác định xem liệu khác biệt đực-cái ở heo con có thể được khai thác để làm lợi thế thương mại hay không, ví dụ, cho ăn theo khẩu phần dành riêng cho giới tính (giả sử phân nhóm theo giới tính sau khi cai sữa), kiểm tra ảnh hưởng của probiotics và prebiotics lên thành phần và chức năng của hệ vi sinh vật, hệ quả bệnh và hệ thống miễn dịch, nhưng nếu có thể đạt được các tác dụng lặp lại, thì điều này có thể giúp tối ưu hóa chức năng trọn đời ở cả hai giới.
Khái niệm 'sức khỏe đường ruột' đã thực sự được xác nhận trên heo con, nhưng cơ sở sinh học của nhiều rối loạn liên quan đến stress ở heo vẫn còn hiểu biết tương đối kém. Nghiên cứu sâu hơn sẽ giúp làm sáng tỏ thêm nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phản ứng của heo với stress để có thể đưa ra các chiến lược tiếp theo nhằm giảm tác động tiêu cực mà nó gây ra đối với sản xuất.