X
XLinkedinWhatsAppTelegramTelegram
0
Đọc bài báo này bằng:

Tỷ lệ chết trên heo nái: Khi nào và ở đâu? (2/2)

Để giảm thiểu tỷ lệ chết, điều cần thiết là phải chẩn đoán được các nguyên nhân. Để làm được điều đó, chúng ta phải trả lời bốn câu hỏi cơ bản: heo nái chết như thế nào, loại heo nái nào bị ảnh hưởng, xảy ra vào thời điểm nào và xảy ra ở đâu? Trong bài viết này, chúng ta sẽ giải quyết hai câu hỏi cuối cùng.

Trong bài viết trước, chúng ta đã xem xét hai câu hỏi đầu tiên khi giải quyết vấn đề chết ở heo nái: "Heo nái chết như thế nào?" và "Loại heo nái nào bị ảnh hưởng?" Bây giờ, chúng ta sẽ tập trung vào hai câu hỏi còn lại: "Heo nái chết vào thời điểm nào?" và "Heo nái chết ở khu chuồng nào trong trang trại?"

Heo nái chết vào thời điểm nào?

Phần lớn heo nái chết vào thời điểm sinh đẻ (Hình 1). Như đã đề cập, sinh đẻ là thời điểm quá trình trao đổi chất tăng cao đến mức tới hạn: lượng thức ăn ăn vào của heo nái tăng lên trong giai đoạn cuối của thai kỳ, đồng thời bào thai cũng đạt kích thước lớn nhất, tất cả đều gây áp lực lên cơ hoành, gây hạn chế khả năng cung cấp oxy của heo nái. Heo nái chết vào thời điểm sinh đẻ khi cơ thể có các vấn đề mãn tính liên quan đến phổi hoặc tim. Sa các cơ quan vùng chậu thường xảy ra vào thời điểm sinh đẻ hoặc sau khi đẻ do áp lực đẩy lên các cơ quan ở khu vực này.

Khi nguyên nhân chết liên quan đến hệ tiêu hóa (xoắn, loét, vỡ dạ dày) thì tỷ lệ chết thường xảy ra vào thời điểm lượng thức ăn ăn vào của heo nái lớn nhất – tức là trong giai đoạn nuôi con hoặc từ sau khi cai sữa đến khi phối giống.

Hình 1. Tỷ lệ(%) heo nái chết, trước hoặc sau khi đẻ, trong tổng số 7.778 heo nái đã được phối cộng với 7.745 heo nái đã đẻ. Nguồn: Tami S. và cs, 2017.
Hình 1. Tỷ lệ(%) heo nái chết, trước hoặc sau khi đẻ, trong tổng số 7.778 heo nái đã được phối cộng với 7.745 heo nái đã đẻ. Nguồn: Tami S. và cs, 2017.

Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến viêm bàng quang/viêm bể thận có xu hướng xảy ra trong 1/3 giai đoạn đầu của thai kỳ vì trong giai đoạn này độ pH của nước tiểu có xu hướng cao hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Các vấn đề liên quan đến chứng què chân thường xuất hiện trong nửa cuối thai kỳ: khi trọng lượng cơ thể của heo nái cao hơn và có nhiều tương tác hơn giữa các heo nái (nếu chúng được nuôi theo nhóm như ở EU), nhưng vì những con heo nái này đang mang thai, chúng có xu hướng được giữ lại cho đến khi đẻ xong và thường bị loại thải trong giai đoạn cho con bú hoặc ngay sau khi cai sữa.

Trong một số ca, tình trạng heo nái chết có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào. Điều này có xu hướng xảy ra ở các trang trại mà nguyên nhân chết liên quan đến các vấn đề cấp tính về đường ruột: xoắn ruột, hội chứng xuất huyết ruột hoặc thường được gọi là viêm ruột hoại tử do vi khuẩn Clostridium. Ở những trang trại này, vấn đề thường nằm ở việc không tuân thủ quy định cho ăn đúng giờ. Heo nái luôn trông chờ thức ăn theo đúng giờ và khi được cho ăn, heo nái rất bình tĩnh. Có những trang trại thay đổi lịch cho ăn tùy thuộc vào các công việc khác cần được hoàn thành. Trong những tình huống như vậy, tình trạng chết đột ngột do các vấn đề về tiêu hóa có xu hướng xảy ra thường xuyên và có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong chu kỳ sinh sản.

Heo nái chết ở khu chuồng nào trong trang trại?

Có những thời điểm tỷ lệ chết cao liên quan đến một khu vực cụ thể của trang trại. Ví dụ, các vấn đề liên quan đến khí từ hố nước phân sẽ luôn ảnh hưởng đến cùng một khu vực của trang trại và heo nái chết thường dồn vào những ngày nhất định. Trong những trường hợp khác, các vấn đề có thể phát sinh từ việc lắp đặt điện: tiếp đất không đúng cách có thể làm chập điện ở máng ăn hoặc các thiết bị khác trong chuồng. Điều này có thể gây chết heo do điện giật hoặc loét dạ dày ở heo nái nếu tình trạng này xảy ra không thường xuyên và làm cho máng ăn bị chập điện. Trong tình huống này, tỷ lệ chết có thể liên quan đến độ tuổi hoặc trạng thái sinh lý của heo nái, nhưng điều này có thể xảy ra ngẫu nhiên ở khu vực heo được nuôi nhốt.

Những trường hợp hiếm gặp, đúng như tên gọi, rất khó xảy ra. Tuy nhiên, khi chúng xuất hiện, chúng ta cần phải có đầy đủ thông tin cần thiết để đưa ra chẩn đoán chính xác.

Đương nhiên, việc điều tra bất kỳ trường hợp nào có tỷ lệ chết cao ở heo nái phải đi kèm với việc mổ khám những heo nái đã chết. Việc phân biệt giữa vấn đề què do gãy xương hay quá trình nhiễm trùng không dễ dàng nếu không nhìn thấy các bệnh tích, và điều tương tự cũng áp dụng cho các vấn đề về phổi, tim hoặc tiêu hóa.

Đáng tiếc là số lượng mổ khám thường rất ít, dẫn đến nguy cơ không phản ánh đúng vấn đề chính, dễ dẫn đến chẩn đoán sai lầm, gây lãng phí thời gian và làm tăng rủi ro cho heo nái.

Bình luận bài báo

Mục đích của phần này không phải để kham khảo ý tác giả về bài báo mà là nơi thảo luận cởi mở giữa những người dùng 333.
Để lại một bình luận mới

Quyền truy cập chỉ dành cho người dùng 333. Để bình luận bạn cần đăng nhập.

Bạn chưa đăng ký vào danh sách nhận 333 trong 3 phút

Bản tin tuần với tất cả các cập nhật trên 3tres3.com

Đăng nhập và đăng ký vào danh sách

Bài báo liên quan

Hình 1. Tỷ lệ chết theo lứa đẻ tại một trang trại (%) có vấn đề heo nái chết do què chân.

Tỷ lệ chết trên heo nái: Diễn ra như thế nào và xảy ra trên loại heo nái nào? (1/2)

Để giảm thiểu tỷ lệ chết, điều cần thiết là phải chẩn đoán được các nguyên nhân. Để làm được điều đó, chúng ta phải trả lời bốn câu hỏi cơ bản: heo nái chết như thế nào, loại heo nái nào bị ảnh hưởng, xảy ra vào thời điểm nào và xảy ra ở đâu? Trong bài viết này, chúng ta sẽ giải quyết hai câu hỏi đầu tiên.

Bạn chưa đăng ký vào danh sách nhận 333 trong 3 phút

Bản tin tuần với tất cả các cập nhật trên 3tres3.com

Đăng nhập và đăng ký vào danh sách