X
XLinkedinWhatsAppTelegramTelegram
0
Đọc bài báo này bằng:

Sự phản đối của công nhân trang trại đối với việc trợ tử nhân đạo cho heo

Một góc nhìn sâu sắc từ quan điểm của đội ngũ công nhân.

Việc trợ tử kịp thời cho heo là một vấn đề phức tạp và đầy cảm xúc. Việc đưa ra quyết định trong vấn đề này không chỉ dựa trên các tiêu chí kỹ thuật mà còn dựa trên các giá trị, cảm xúc và nhận thức của con người. Khi chúng ta tìm hiểu sâu vào quan điểm của công nhân, chúng ta sẽ phát hiện ra một số yếu tố có liên quan khiến nhiệm vụ này trở nên đầy thách thức:

1. Văn hóa và Cam kết Phúc lợi Động vật: Đội ngũ công nhân được đào tạo nghiêm ngặt để đảm bảo sự sống, sức khỏe và phúc lợi của heo, giúp heo đạt được điều kiện tốt nhất khi đưa ra thị trường. Việc đào tạo này có thể được nội tâm hóa đến mức gây ra vấn đề tâm lý hoặc mâu thuẫn, làm cho quyết định thực hiện việc trợ tử trở nên khó khăn hơn.

2. Đào tạo (Hy vọng so với Thực tế): Hy vọng rằng một con heo bị bệnh hoặc bị thương sẽ hồi phục là điều tự nhiên trong suy nghĩ của công nhân. Tuy nhiên, việc phân định giữa hy vọng này và tình hình thực tế có thể là một thách thức, đặc biệt đối với công nhân đang trong quá trình đào tạo. Một nghiên cứu do Magnus và cs (2018) nhấn mạnh rằng những công nhân có dưới hai năm kinh nghiệm làm việc tại trang trại thường miễn cưỡng thực hiện việc trợ tử cho heo.

3. Tác động tâm lý của việc Trợ tử: Không nên đánh giá thấp áp lực về mặt cảm xúc của việc trợ tử động vật sống, đặc biệt là trợ tử hàng loạt, như trong trường hợp bùng phát dịch bệnh. Mối quan hệ mà người lao động thiết lập với vật nuôi, cùng với tính chất khó khăn của việc trợ tử, có thể gây ra hậu quả tâm lý đáng kể. Nghiên cứu của Román và cs (2021) xem xét nhận thức của công nhân về việc trợ tử ở bò sữa, trong khi các nghiên cứu khác chỉ ra tỷ lệ đau khổ về mặt tâm lý cao ở những công nhân làm việc tại lò mổ thịt bò (Leibler và cs, 2017; Slade và Alleyne, 2021). Những nghiên cứu này nhấn mạnh đến nhu cầu thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho những người lao động này để giảm bớt căng thẳng. Những phát hiện như vậy có thể được mở rộng sang bối cảnh của ngành chăn nuôi heo.

4. Cân bằng hiệu quả và khối lượng công việc: Mặc dù việc duy trì hiệu quả công việc là điều cần thiết, nhưng việc tăng số lượng heo cần được trợ tử có thể dẫn đến quá tải đáng kể về mặt công việc và cảm xúc, khiến công nhân có thể muốn né tránh hoặc trì hoãn trong việc thực hiện trợ tử cho heo.

5. Những vấn đề nan giải về đạo đức và sự đồng cảm: Công nhân, vì bản chất đồng cảm của họ đối với heo, có thể tin rằng việc giữ heo sống, bất kể tình trạng sức khỏe của nó, là lựa chọn nhân đạo nhất. Một nghiên cứu của J-L Rault và cs (2017) đề cập đến những khác biệt đáng kể liên quan đến sự miễn cưỡng đối với quá trình trợ tử giữa công nhân nam và nữ theo nhận thức của họ về sự đồng cảm đối với động vật.

Việc nhận ra thời điểm nào là lúc nhân đạo nhất để chấm dứt sự đau đớn cho heo là rất quan trọng để tuân thủ các quy trình phúc lợi động vật đã được thiết lập.

6. Các Tác động Kinh tế: Nỗ lực và khoản đầu tư tài chính đã bỏ ra cho mỗi con heo có thể tạo ra nhận thức rằng luôn phải tìm kiếm một lợi nhuận từ khoản đầu tư đó. Tuy nhiên, việc kéo dài sự sống của một con heo không có khả năng hồi phục chỉ làm tăng chi phí và sự đau đớn cho heo. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là khi heo trưởng thành, các chi phí liên quan như các chương trình sức khỏe và quản lý mà heo đã được áp dụng trước đó cũng sẽ tăng theo.

7. Ảnh hưởng của Sự khích lệ và Mục Tiêu: Trong một số trường hợp, các hệ thống khen thưởng hoặc xử phạt, dựa trên số lượng heo cần chuyển giao hoặc tỷ lệ chết theo dự toán, có thể tạo ra căng thẳng và mâu thuẫn trong quá trình đưa ra quyết định, cả trong trang trại lẫn trong mối quan hệ giữa khách hàng và nhà chăn nuôi.

Các khuyến nghị

Sau đây là một loạt các khuyến nghị tập trung vào việc cải thiện hoạt động và phúc lợi cho trang trại:

1. Đào tạo về Phúc lợi Động vật: Việc cung cấp chương trình đào tạo đầy đủ về phúc lợi động vật cho đội ngũ công nhân là điều cần thiết, bao gồm khả năng nhận biết khi nào một con heo không còn ở trong tình trạng có thể phục hồi và cần được trợ tử. Các nghiên cứu đã đề cập ở trên chỉ ra rằng công nhân được đào tạo nhiều hơn thường chủ động hơn trong việc thực hiện trợ tử.

2. Luân phiên trong Trợ tử: Để giảm thiểu tác động về mặt cảm xúc đối với công nhân phụ trách, nên thay đổi người chịu trách nhiệm thực hiện trợ tử. Ngoài ra, điều quan trọng là phải sử dụng phương pháp trợ tử phù hợp cho từng giai đoạn của heo.

3. Hỗ trợ tâm lý: Việc triển khai chương trình hỗ trợ tâm lý, bao gồm các buổi gặp gỡ định kỳ với các chuyên gia chuyên về tổn thương tâm lý và căng thẳng trong công việc, sẽ rất hữu ích cho đội ngũ công nhân, đặc biệt là với những công nhân mới. Điều này, cùng với việc hình thành các nhóm hỗ trợ giữa các đồng nghiệp, sẽ tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh và giàu tính hỗ trợ. Một biện pháp thực tế là giao cho những công nhân có hơn hai năm kinh nghiệm làm việc tại trang trại thực hiện phần lớn việc trợ tử.

4. Đầu tư vào thiết bị: Nên sử dụng thiết bị chuyên dụng để xử lý heo chết nhanh chóng và an toàn mà không ảnh hưởng đến an toàn sinh học của trang trại.

5. Quy trình rõ ràng: Việc có các quy trình chi tiết và được truyền đạt rõ ràng đối với những tổn thương không thể phục hồi đòi hỏi phải trợ tử là điều cần thiết, đảm bảo rằng tất cả công nhân đều hiểu và áp dụng đúng.

6. Nhận thức về chi phí sản xuất: Người lao động cần hiểu rõ một số hành động nhất định, chẳng hạn như điều trị y tế và chủng ngừa, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất như thế nào và việc trì hoãn các công việc này sẽ làm tăng chi phí sản xuất heo ra sao.

7. Sự khích lệ tích hợp: Các sự khích lệ được trao phải liên kết với tất cả các giai đoạn trong chuỗi sản xuất để thúc đẩy tinh thần làm việc nhóm và ngăn ngừa sự phân biệt giữa các khu vực sản xuất khác nhau.

8. Quản lý các chỉ số về tỷ lệ chết: Khi giải quyết các chỉ số về tỷ lệ chết, điều quan trọng là phải tập trung vào việc xác định và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, và tránh gây thêm áp lực căng thẳng cho đội ngũ công nhân. Điều này rất quan trọng để tránh các hành vi không đúng mực làm chậm trễ việc trợ tử đúng cách, có thể làm gia tăng áp lực sức khỏe cho trang trại.

Kết luận

Tất cả công nhân tham gia chăn nuôi heo đều có nghĩa vụ đảm bảo phúc lợi cho heo và chất lượng sản phẩm cuối cùng. Chúng tôi nhận ra rằng công nhân phải đối mặt với những tình huống khó xử đáng kể về đạo đức, cảm xúc và kinh tế, cần được giải quyết bằng cách tiếp cận toàn diện kết hợp kiến ​​thức khoa học, nguyên tắc đạo đức và sự đồng cảm sâu sắc.

Nhận thức về chi phí heo chết

Cuối cùng, chúng tôi cung cấp một bảng tham khảo cho thấy chi phí gia tăng liên quan đến heo chết theo từng giai đoạn sản xuất, có thể được điều chỉnh theo chi phí cụ thể trong trang trại của bạn.

Hình 1. Chi phí heo chết gia tăng theo tuần tuổi. Nguồn: Velarde (2023).
Hình 1. Chi phí heo chết gia tăng theo tuần tuổi. Nguồn: Velarde (2023).

Bình luận bài báo

Mục đích của phần này không phải để kham khảo ý tác giả về bài báo mà là nơi thảo luận cởi mở giữa những người dùng 333.
Để lại một bình luận mới

Quyền truy cập chỉ dành cho người dùng 333. Để bình luận bạn cần đăng nhập.

Bạn chưa đăng ký vào danh sách nhận 333 trong 3 phút

Bản tin tuần với tất cả các cập nhật trên 3tres3.com

Đăng nhập và đăng ký vào danh sách

Bài báo liên quan

Tác động của con người đến hiệu quả sản xuất heo con

Tôi có nhiều ví dụ tuyệt vời minh chứng cho việc kết quả năng suất của một trại là thành quả của một người luôn nỗ lực vươn lên. Những người giỏi nhất sẽ thực hiện khoa học mà chúng ta dạy cho họ, tuy nhiên, công việc hàng ngày và những quan sát của họ sẽ đưa nó lên một cấp độ cao hơn.

Bạn chưa đăng ký vào danh sách nhận 333 trong 3 phút

Bản tin tuần với tất cả các cập nhật trên 3tres3.com

Đăng nhập và đăng ký vào danh sách