X
XLinkedinWhatsAppTelegramTelegram
0
Đọc bài báo này bằng:

Ca bệnh lâm sàng: Chứng què và liệt hai chân sau trên heo xuất chuồng

Ca bệnh này mô tả các biến chứng muộn hệ lụy của việc cắn đuôi và định lượng những tổn thất mà nó gây ra.

Theo luật pháp hiện hành của EU về phúc lợi động vật và bảo vệ heo (2008/120/EC), việc cắt đuôi không nên thực hiện như một thông lệ. Để khuyến khích việc chuyển sang nuôi heo đuôi dài, người chăn nuôi được khuyến nghị bắt đầu nuôi các nhóm heo con còn nguyên đuôi. Điều này cho phép công nhân được đào tạo, giảm thiểu tổn thất trong trường hợp nổ ra hiện tượng cắn đuôi, điều mà đáng tiếc là không thể đoán trước được trong một số trường hợp. Với ý tưởng này, một chuồng vỗ béo kiểu truyền thống có sức chứa 1800 heo với phương pháp quản lý cùng vào cùng ra đã nhập vào một đàn heo xuất chuồng với một nhóm 300 heo con còn nguyên đuôi. Trọng lượng trung bình của heo khi nhập chuồng là khoảng 33 kg. Sàn chuồng được lắp tấm lát sàn và heo được cung cấp 2 bữa ăn mỗi ngày. Khi nhập chuồng, heo không có dấu hiệu bệnh lý lâm sàng liên quan đến đường tiêu hóa cũng như đường hô hấp và không quan sát thấy các vấn đề về vận động hoặc què quặt. Tuy nhiên, trong số 300 con heo đuôi dài, có khoảng 15% heo có da đóng vảy và thỉnh thoảng có dấu hiệu viêm đuôi (chủ yếu là đỏ và sưng tấy, sờ vào gây hơi đau). Hầu hết các tổn thương đều đã khỏi và không còn thấy máu tươi, mặc dù một số con có đuôi bị ngắn đi. Nhóm heo còn nguyên đuôi được nuôi trong chuồng tách biệt với nhóm đã được cắt đuôi.

Các chuồng được trang bị bộ phát rơm, dùng làm vật liệu làm đa dạng môi trường luôn có sẵn mọi lúc. Ngoài ra, mỗi chuồng còn được trang bị một dây xích bằng kim loại gắn vào một trong các thành chuồng.

Các tổn thất "hệ lụy"

Không có dấu hiệu cắn đuôi ở heo còn nguyên đuôi ngay sau khi nhập chuồng và quá trình hồi phục các tổn thương trước đó tiếp tục cho đến khi khỏi hoàn toàn trong những tuần tiếp theo. Tuy nhiên, khoảng 5 tuần sau khi nhập chuồng, một số con bắt đầu có dấu hiệu đi khập khiễng ở chân sau, ban đầu khó nhận thấy sau đó ngày càng rõ ràng. Trong 4 tuần tiếp theo, 22% số heo ban đầu có biểu hiện tổn thương ở đuôi (9 con), sau đó đã lành, dần dần mất khả năng sử dụng các chi sau cho đến khi chúng không thể đi lại được nữa.

Một con heo có vết thương nghiêm trọng ở đuôi dẫn đến liệt chân sau. Cũng ở trang trại này, biểu hiện lâm sàng tương tự đã được quan sát thấy ở những con heo đã từng bị tổn thương ở đuôi nhưng đã lành và không thể quan sát thấy.

Viêm tủy sống và nhiễm trùng tiến ngược

Các triệu chứng vận động của heo từng bị tổn thương ở đuôi đi kèm với nhiễm trùng tiến ngược lên đốt sống cùng và đốt sống thắt lưng, thường kèm theo sự hiện diện của áp xe và viêm tủy sống, được phát hiện trong quá trình mổ khám. Sự hiện diện các tổn thương trước đó ở đuôi đã tạo thành con đường xâm nhập và nhiễm trùng bởi các mầm bệnh thứ cấp, hoạt động của chúng tiếp tục gia tăng ngay cả sau khi tổn thương trên bề mặt da đã lành. Nhiễm trùng đã dẫn đến tổn thương các cấu trúc thần kinh và gây tê liệt hoàn toàn hoặc một phần hoặc yếu liệt các chi sau.

Áp xe cột sống ở heo xuất chuồng 
Áp xe cột sống ở heo xuất chuồng 

Vấn đề với heo trong trang trại mất khả năng đi lại chắc chắn liên quan đến phúc lợi động vật nhưng cũng gây ra những thiệt hại kinh tế không nhỏ. Tổng cộng, tỷ lệ tổn thất ở nhóm heo còn nguyên đuôi là 7,4% so với 4,9% heo ở nhóm đã cắt đuôi. Ở nhóm heo còn nguyên đuôi, tổn thất là do những con vật không thể tự đi đứng để lên xe tải, vậy nên chúng đã được trợ tử nhân đạo tại trang trại, và do thân thịt bị thu hồi tại lò mổ do phát hiện áp xe ở xương cùng và nội tạng. Ngoài ra, nhóm heo còn nguyên đuôi cho thấy ​​sự gia tăng chi phí liên quan đến việc sử dụng thuốc từ 0,98 € lên 1,58 €.

Tóm tắt so sánh giữa heo đã được cắt đuôi và heo còn nguyên đuôi.

Nhóm heo còn nguyên đuôi Nhóm heo đã được cắt đuôi
Tỷ lệ chết 7.4 % 4.9 %
Viêm tủy sống (% trên tổng tỷ lệ chết) 22 % 0 %
Chi phí thuốc 1.58 € 0.98 €
Tổn thất tại lò mổ 4 % 0 %

Mô tả bệnh tích

Hình ảnh lâm sàng thường liên quan đến sự hiện diện của các tổn thương thứ phát ở cột sống, được đặc trưng bởi các tổn thương trực tiếp hoặc chèn ép lên các tế bào thần kinh vận động ngoại biên chịu trách nhiệm về khả năng vận động của các chi sau. Các tác giả (Hariharan và cộng sự, 1992) đã thực hiện nuôi cấy vi khuẩn từ những bệnh tích kiểu này thường không phân lập được bất kỳ mầm bệnh nào, có thể là do tình trạng mãn tính của tổn thương hoặc xu hướng liên tục dùng kháng sinh để điều trị heo mắc bệnh này. Về mặt đại thể, các bệnh tích ở đuôi có đặc điểm là mất một phần đuôi và có thể để lại sẹo sau khi bong vảy. Bên dưới vết sẹo, thường có mủ nằm trong khoang dưới màng cứng cho đến đoạn thắt lưng cùng của cột sống.

Tăng nguy cơ liệt khi bị cắn đuôi

Tỷ lệ heo bị nhiễm trùng liên quan đến tổn thương do cắn đuôi (viêm khớp có mủ, viêm cột sống có mủ và viêm màng não/viêm tủy sống tiến ngược do vi khuẩn) tăng lên khi xảy ra hiện tượng cắn đuôi. Điều này cũng được xác nhận bởi một nghiên cứu gần đây do một nhóm nghiên cứu Brazil thực hiện (Piva và cộng sự, 2022). Trên thực tế, những bệnh nhiễm trùng này thậm chí có thể ảnh hưởng đến gần 70% số động vật bị cắn đuôi, trong khi chúng chỉ chiếm 0,04% trong trường hợp đuôi không bị tổn thương. Nói một cách đơn giản, nguy cơ xuất hiện các bệnh nhiễm trùng này kèm theo liệt lâm sàng hoặc liệt chi sau “xuất hiện muộn” sau khi bị cắn đuôi cao hơn 57 lần so với nhóm heo không có tổn thương ở đuôi.

Phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh

Thật đáng tiếc, ai cũng biết rằng rất khó để can thiệp trong trường hợp nổ ra các đợt cắn đuôi ở các trang trại heo. Tuy nhiên, việc ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng tiến ngược sau khi bị tổn thương nghiêm trọng ở đuôi cũng khó không kém. Rủi ro có thể vẫn tồn tại ngay cả khi vết thương được chữa lành một phần hoặc hoàn toàn, vì tổn thương ở các cấu trúc sâu hơn hoặc nội tạng có thể còn nặng hơn so với tổn thương ngoài da. Sự xuất hiện "muộn" của các triệu chứng vận động hệ lụy từ tổn thương ban đầu có liên quan đến sự mãn tính của tình trạng viêm và nhiễm trùng cấp tính ban đầu, cũng như sự lây lan của mầm bệnh từ mô này sang mô khác, có thể diễn ra trong thời gian rất dài đến mức gây khó khăn cho việc xác định nguyên nhân kích hoạt bệnh. Do đó, cực điểm của quá trình là dấu hiệu lâm sàng ở một vị trí khác so với vị trí tổn thương ban đầu, đôi khi liên quan đến các tổn thương toàn thân nên không phải lúc nào cũng dễ giải thích. Một trong những khía cạnh phức tạp nhất của quá trình này là trên thực tế có nhiều heo tiếp tục ăn uống bình thường và tiếp tục tăng trưởng, khiến công nhân mất nhiều thời gian để chọn lựa trợ tử nhân đạo, kéo dài trạng thái đau đớn của con vật đến khi không thể đi lại được nữa và đồng thời làm tăng thêm những thiệt hại kinh tế liên quan đến việc một con vật có tiên lượng xấu nhưng vẫn tiếp tục tiêu thụ thức ăn. Ngăn ngừa hiện tượng cắn đuôi, bằng cách giảm các yếu tố rủi ro về môi trường và quản lý, chắc chắn là biện pháp can thiệp hữu ích nhất trong những trường hợp này, với việc hiểu biết rằng động vật có vết thương rõ ràng và mới gần đây sẽ cần được điều trị riêng lẻ bằng liệu pháp kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Bình luận bài báo

Mục đích của phần này không phải để kham khảo ý tác giả về bài báo mà là nơi thảo luận cởi mở giữa những người dùng 333.
Để lại một bình luận mới

Quyền truy cập chỉ dành cho người dùng 333. Để bình luận bạn cần đăng nhập.

Bạn chưa đăng ký vào danh sách nhận Tin tức ngành heo

Tin tức ngành heo tới email của bạn

Đăng nhập và đăng ký vào danh sách

Bạn chưa đăng ký vào danh sách nhận 333 trong 3 phút

Bản tin tuần với tất cả các cập nhật trên 3tres3.com

Đăng nhập và đăng ký vào danh sách